Đã từ lâu, xã Phú Xuân được người dân trong và ngoài huyện biết đến với sản phẩm miến gạo chất lượng cao. Nhờ làm nghề, nhiều gia đình đã có nguồn thu nhập khá và vươn lên làm giàu. Miến gạo Phú Xuân đang dần khẳng định thương hiệu, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây .
Thôn Phú Cường nằm ở phía Nam xã Phú Xuân, thôn có hơn 266 hộ với gần 1000 nhân khẩu thì có đến hơn 100 hộ sản xuất, kinh doanh liên quan đến Miến gạo. Kể từ khi dự án kênh Bắc sông chu Nam sông Mã hoàn thành, toàn bộ vùng bãi của người dân nơi đây có nước tưới quanh năm, tạo điều kiện cho bà con nhân dân chuyển từ đất trồng Ngô, lạc sang cấy lúa để phục vụ sản xuất Miến gạo.
Được biết, trước đây do kinh tế khó khăn, nhiều người dân phải rời quê đi khắp các tỉnh thành trong cả nước kiếm viêc làm. Sau đó, chính họ đã đưa nghề làm miến về cho địa phương. Gạo để làm miến không cần kén chọn lắm, nếu dùng gạo dẻo, gạo thơm thì miến thường không ngon và hay bị gãy sợi; trước đây bà con thường chỉ làm miến từ giống lúa Khang dân và Q5 sản xuất tại địa phương, nhưng khi sản lượng tăng lên thì trong những năm gần đây đã nhập thêm gạo các giống V từ các địa phương khác. Nguồn nước làm miến phải là nước tự nhiên hoặc nếu lấy từ giếng khoan phải được lọc sạch qua hệ thống bể lọc.
Theo các hộ sản xuất trong xã cho biết: Nghề làm miến gạo ở thôn Phú Cường, xã Phú Xuân xuất hiện từ những năm 1980 và phát triển mạnh từ năm 2006 trở lại đây. Hiện toàn xã có gần 60 hộ làm nghề sản xuất miến gạo, chủ yếu tập trung ở 3 thôn Đông Thành, Thôn Phú Cường và Thọ Phú; thu hút hơn 150 lao động với mức thu nhập bình quân từ 350.000 - 400.000 đồng/người/ngày. Trước đây việc xay bột, tráng bột, thái bánh làm bằng tay và các dụng cụ thủ công nên năng suất thấp (một hộ chỉ chế biến được 15 - 20kg gạo/ngày). Nhưng từ năm 2006 trở lại đây, nghề làm miến đã được hỗ trợ bằng máy liên hoàn (máy xay bột, máy trộn bột, máy ép bột, máy cán sợi) nên năng suất tăng gấp 10 đến 15 lần, cho sản phẩm có chất lượng và mẫu mã đẹp hơn nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng.
Nghề làm miến ban đầu hoàn toàn làm bằng thủ công nên năng suất, sản lượng thấp. Ban đầu người ta cho gạo vào nước ngâm trong một khoảng thời gian nhất định từ 5 phút đến 7 giờ đồng hồ, tùy thuộc vào thời tiết (mùa đông ngâm chừng 1 giờ đồng hồ, mùa hè thì khoảng 30 phút) sau đó vớt gạo lên và cho vào cối đá để say và dùng sức người để say thành bột dạng nước lỏng, sau đó bắc bếp và tráng như Bánh cuốn hiện nay tuy nhiên bánh tráng miến có độ dày hơn. Những bánh tráng miến sau khi tráng xong sẽ được cho vào những chiếc tành đan bằng tre rồi phơi ra nắng. Người ta sẽ không phơi khô hẳn mà phơi đến độ nhất định đảm bảo độ dẻo, không còn dính để xếp chồng không bị gãy nát thì sau đó ép chồng các lớp bánh tráng miến để thái thành sợi dễ dàng
Những sợi miến sau khi thái sẽ được cho vào nống đan bằng nan tre phơi khô và cuộn lại thành từng bó từ 0,5 đến 01 kg để thuận tiện cho việc đóng bao bì và vận chuyển
Đến thời kỳ những năm 1996 đến năm 2006, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những chiếc máy miến chạy Bằng dầu đã được bà con nơi đây mua về phục vụ cho việc làm miến. Do nhu cầu của thị trường miến gạo thủ công không còn được sản xuất mà thay vào đó là Miến chạy bằng máy, năng suất cao hơn gấp hàng chục lần và sợi dài, phẳng không bị dối như trước kia. Miến gạo chạy máy vẫn đảm bảo chất lượng và hương vị gạo quê.
Từ năm 2006 trở lại đây, nhờ hệ thống điện lưới quốc gia ngày một hoàn thiện nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc chạy bằng điện vào sản xuất, tăng năng xuất, sản lượng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Đặc biệt hơn nữa trong những năm gần đây ngành dịch vụ - thương mại trên địa bàn xã phát triển mạnh, nhiều hộ gia đình đã đầu tư mua ô tô vận tải phục vụ buôn bán, hàng hóa đi các huyện, các tỉnh lân cận từ đó lượng Miến gạo được tiêu thụ ngày càng tăng càng khích lệ bà con hăng hái sản xuất.
Cùng với sự phát triển đó, hiện nay trong các thôn trên địa bàn xã các hộ sản xuất hai loại Miến chính đó là Miến nước và miến Khô. Sự khác biệt giữa Miến nước và Miến khô chính là quá trình tạo ra Bột để cho vào máy cán sợi. Đối với miến khô, gạo sau khi ngâm từ 20 phút đến 30 phút sẽ được vớt lên để khô và cho vào máy nghiền bột khô. Sau khi nghiền bột sau người làm miến sẽ trộn bột với nước với một tỷ lệ nhất định tương ứng một tạ bột trộn đều với 50 lít nước, sau đó đợi bột ngấm đều nước rồi mới cho vào máy cán sợi và những sợi miến được hình thành.
Đối với Miến nước, gạo sau khi ngâm từ 5 đến 7 giờ đồng hồ, sẽ cho vào máy nghiền bột nước sau đó cho vào các túi vải lớn và ép bằng hệ thống khuôn được hàn xì bằng sắt có thể tích khoảng gần hai khối, ép đến khi bột khô hết nước thì được bột ra và chia nhỏ bột cho vào máy cán sợi. Việc làm miến nước sẽ vất vả hơn miến khô vì nhiều công đoạn và thời gian phơi khô lâu hơn, nhưng lại cho ra sản phảm miến gạo ngon, thơm, miến luộc lên không có màu nước đục như miến khô vì lượng cám gạo trong bột đã được ép sạch.
Miến sau khi cán thành sợi sẽ được ủ khoảng 10 đến 12 tiếng (thường ủ qua đêm) sau đó người làm miến đem rủ nước lạnh và đem phơi khô trên sào, trên tành, cũng từ đó mà lại có thêm cái tên là miến gấp và miến dài mà người làm miến và người bán miến thường dùng đêr đặt hàng và sản xuất (Miến gấp là miến phơi trên sào, miến dài là miến phơi trên tành).
Nghề làm miến còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Miến sẽ khô nhanh và ngon nhất khi được phơi dưới trời nắng hanh. Còn những ngày mưa hoặc ẩm ướt thì hầu hết các hộ sản xuất phải nghỉ làm.
Như vậy, nghề làm miến thôn Phú Cường, xã Phú Xuân đã hình thành, duy trì và phát triển đã gần 50 năm và là sản phẩm tinh hoa của nhân dân xã Phú Xuân nói chung và thôn Phú Cường nói riêng, mà ở đó mỗi người dân là một người sáng tạo, gìn giữ và phát huy bản sắc của làng nghề nơi đây.