Nơi đây có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, có trục quốc lộ 47, có đường Hồ Chí Minh chạy qua, có tuyến đường từ Khu kinh tế Nghi Sơn về Cảng hàng không Thọ Xuân, khu Nông nghiệp Công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng đã tạo cho Thọ Xuân lợi thế phát triển về thương mại - dịch vụ và du lịch. Thọ Xuân có Cảng Hàng không, một sân bay hỗn hợp quân sự và dân dụng tại Thị trấn Sao Vàng Thọ Xuân có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, cơ sở hạ tầng đáp ứng tốt, nhà ga hành khách mới với trang thiết bị hiện đại, hệ thống hạ cánh chính xác ILS. Cảng hàng không Thọ Xuân nằm trong hệ thống cảng hàng không dân dụng và là sân bay quân sự chiến lược của Việt Nam, có vai trò quan trọng trong hệ thống vận tải hàng không và bảo vệ vùng trời tổ quốc.
Thọ Xuân hiện có 13.800 ha đất đang sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, thích hợp cho các loại cây công nghiệp, cây ăn quả và cây hàng năm. Đó cũng chính là một nguồn tài nguyên quý giá của Thọ Xuân trong phát triển kinh tế. Từ thế mạnh này, huyện đã tập trung xây dựng các mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tạo các khu đất đồi kém hiêu quả sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày như cây mía, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường Lam Sơn; quy hoạch và hình thành các trang trại về trồng cam tại Xuân Thành, trồng bưởi Diễn Bắc Lương, bưởi Luận Văn xã Thọ Xương, khu công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng với sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh ATTP. Đặc biệt, khu công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng nằm cạnh cảng Hàng không Thọ Xuân và giáp ranh khu di tích lịch sử Lam Kinh, dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 47, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, giao thông vô cùng thuận lợi, thuận tiện cho kết nối với các khu du lịch Cúc Phương, Bái Đính, Tràng An (Ninh Bình), là một trong những địa điểm trung tâm thu hút khách tham quan, trải nghiệm.
Trên địa bàn huyện có tới 55 di tích được công nhận, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là di tích Lam Kinh và di tích đền thờ Lê Hoàn có giá trị cao về ý nghĩa lịch sử cũng như về kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của 2 triều đại Tiền Lê, Hậu Lê; Hàng năm có rất nhiều các lễ hội được tổ chức là điểm đến tâm linh, cội nguồn cho du khách thập phương như: Lễ hội Lam Kinh (21, 22/8 âm lịch), lễ hội Lê Hoàn (8/3 âm lịch), lễ hội làng Xuân Phả (10/2 âm lịch), các lễ hội kỳ phúc các làng gắn với các đình, đền, chùa ... Các nét văn hóa ẩm thực độc đáo tiêu biểu cho du khách khi đến với Thọ Xuân được khám phá và trải nghiệm, thưởng thức như: bánh gai Tứ Trụ xã Thọ Diên; bánh lá răng bừa xã Xuân Lập; kẹo lạc xã Phú Xuân; nem chua, nem nướng xã Xuân Bái, thị trấn Thọ Xuân....
Ảnh: Sân Rồng di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn xã Xuân Lập,
huyện Thọ Xuân
Ảnh: Bảo vật Quốc gia Bia Vĩnh Lăng tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, xã Xuân Lam cũ, nay là thị trấn Lam Sơn
Cách Lam Kinh 5 km về phía Bắc, du khách đến thăm khu phố cổ Phố Đầm thuộc làng Quảng Ích, xã Xuân Thiên (Thọ Xuân) vẫn còn đậm nét các dấu tích của một khu phố buôn bán sầm uất bậc nhất cuối triều Nguyễn và thời Pháp thuộc. Đến đây du khách sẽ được tham quan một khu phố cổ với vị trí bến thuyền nổi tiếng một thời. Những ngôi nhà cổ san sát như Hội An xứ Thanh những căn nhà 2 tầng kiến trúc Á, Âu rất đẹp, in dấu Phố Đầm hàng hiệu sầm uất, buôn bán phồn thịnh như Hiệu thuốc Tây Nam Ích Long, thuốc bắc Quảng Phát, thuốc lào Mỹ Thái, hiệu vàng Tấn Long, hiệu nhuộm Tân Mỹ,...
Ảnh: Ngôi nhà cổ tại phố cổ Phố Đầm, xã Xuân Thiên, Thọ Xuân
Nhận thức rõ những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, huyện Thọ Xuân đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước chuyển dịch tỷ trọng các ngành, tăng tỷ trọng dịch vụ thương mại, sản phẩm tiêu biểu. Các thế mạnh về đất đai, lao động, lợi thế về địa lý, giao thông từng bước được hình thành, vùng cây công nghiệp mũi nhọn được xác định.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có một số điểm, khu du lịch được quy hoạch, như: khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh với quy mô diện tích 200 ha; khu lăng mộ vua Lê Dụ Tông; khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường tạo điều kiện thuận lợi cho huyện mở rộng liên kết vùng để hình thành các tour, tuyến du lịch kết hợp lịch sử với văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và nằm trong hành lang các tour, tuyến du lịch quan trọng của tỉnh cũng như tỉnh bạn. Năm 2018 đón 275.170 lượt khách, tăng 3.2 lần chiếm 3.33% tổng số khách du lịch của tỉnh năm 2018 (năm 2018 toàn tỉnh ước đạt 8.250.000 lượt khách). Tổng thu du lịch hàng năm từ 6 - 8 tỷ đồng; năm 2018 tổng thu ước đạt trên 8 tỉ đồng; cơ cấu tổng thu du lịch chủ yếu từ khách du lịch nội địa, qua thu vé vào cửa tham quan tại Lam Kinh (1.7 tỉ đồng), từ các dịch vụ ăn uống, bán buôn, bán lẻ; hoạt động tài chính, ngân hàng; dịch vụ lưu trú; vận tải, kho bãi... tập trung nhiều ở hai lễ hội Lam Kinh và Lê Hoàn. Hiện tại toàn huyện có 21 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 01 khách sạn đạt 3 sao (khách sạn Vinh Quyền tại Xuân Phú); 01 khách sạn đạt 01 sao (khách sạn Lan Anh - TT Lam Sơn) với tổng số 40 phòng; 19 nhà nghỉ với 200 phòng, hệ thống các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại.
Ảnh: Cảng Hàng không Thọ Xuân
Về đầu tư cho du lịch, hiện nay Nhà nước đang tiếp tục đầu tư cho khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh; một số dự án đang được triển khai như: khu sinh thái Tre luồng Thanh Tam được quy hoạch trên diện tích khoảng 159,58ha; gồm: Khu đồi sinh thái và khu Hố Dăm thuộc địa giới hành chính các xã Xuân Bái, Thọ Xương, Xuân Phú; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại xã Thọ Lâm do Tập đoàn Sao Mai đầu tư đang thi công xây dựng, với một số sản phẩm du lịch như vui chơi, nghỉ dưỡng; Khu du lịch sinh thái Nông nghiệp công nghệ cao, giải trí trải nghiệm tại Xuân Phú do Công ty Thuận Phát làm chủ đầu tư đang chờ phê duyệt; Dự án khu phức hợp dịch vụ hàng không, dịch vụ nghỉ dưỡng, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, quy mô 3690 ha của Tập đoàn FLC. Một số nhà hàng khách sạn đã đang được đầu tư và đưa vào khai thác như nhà hàng Lam Sơn, nhà hàng Cô Tám; nhà hàng Tre Việt; khách sạn ba sao Vinh Quyền, khách sạn hai sao Lan Anh
Với những tiềm năng và thế mạnh riêng về tự nhiên và kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân Thọ Xuân đang chuyển mình và bứt phá mạnh mẽ. Đời sống văn hoá ngày càng được nâng lên. Việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị các di sản văn hoá ngày càng được quan tâm. Đây chính là tiền đề vững chắc cho huyện tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế thương mại dịch vụ, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, với truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân đang nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng Thọ Xuân đến năm 2025 trở thành một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2030 trở thành thị xã Thọ Xuân.
Tiến Trịnh Trung tâm VH,TT,TT&DL