Việc ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong phát triển của các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, sẽ giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng doanh thu, giảm chi phí, mang đến dịch vụ tốt hơn cho khách hàng và tạo được lợi thế cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, “tiềm năng” từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn còn bỏ ngỏ.
Sản xuất nghề mộc tại thôn Đạt Tài 1, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa)
Theo số liệu thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 25 nghề truyền thống, 155 làng nghề. Các làng nghề đã và đang tạo việc làm ổn định cho hơn 80.000 lao động, thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Một số ngành nghề hiện đang phát triển mạnh, như: Mộc dân dụng, đúc đồng; nem, giò, chả; may đo thủ công; chế biến hải sản... Mặc dù các làng nghề, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng hiện vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn tỉnh có một số làng nghề truyền thống, như: Chiếu cói Nga Sơn, đá mỹ nghệ làng Mai... đã xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài, nhưng số lượng sản phẩm còn hạn chế. Nguyên nhân được đưa ra là “khoảng trống” trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận, quảng bá sản phẩm giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề với đơn vị phân phối, tiêu thụ ở nước ngoài còn hạn chế. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, xúc tiến thương mại diễn ra tại làng nghề vẫn theo cách truyền thống; chưa có nhiều cơ sở nắm bắt và tiếp cận được với những tiện ích của TMĐT. Để phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hỗ trợ triển khai TMĐT, những năm qua, dựa trên tình hình thực tế trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm tại các làng nghề, ngành công thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng công nghệ, phát triển TMĐT, khai thác thông tin thị trường, cập nhật chính sách, luật pháp thương mại trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Có lịch sử hình thành và phát triển từ hàng trăm năm, làng nghề mộc truyền thống Đạt Tài, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) đã và đang tạo dựng được thương hiệu và niềm tin đối với khách hàng trong, ngoài tỉnh. Toàn xã có 110 hộ làm nghề mộc, 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh gỗ, tạo việc làm thường xuyên cho gần 300 lao động. Tổng thu nhập từ nghề mộc truyền thống đạt bình quân gần 40 tỷ đồng/năm. Nhiều doanh nghiệp, chủ xưởng mộc lớn đã tạo dựng được thương hiệu, có cửa hàng, đại lý ở khắp các tỉnh, thành phố trong nước, một số đồ gỗ cao cấp của làng mộc Đạt Tài được xuất khẩu sang nhiều nước khu vực Đông Nam Á. Hiệu quả kinh tế từ nghề mộc truyền thống góp phần thay đổi đời sống cho đại bộ phận người dân địa phương. Tuy nhiên, tại làng nghề mộc Đạt Tài, số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ thông tin và TMĐT trong kinh doanh còn rất khiêm tốn. Hầu hết, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đồ mộc chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm thông qua các kênh thông tin đơn thuần hoặc qua các trang mạng xã hội (facebook, zalo...) nên hiệu quả chưa cao.
Là một trong số ít mô hình kinh doanh sản xuất đồ mộc ứng dụng công nghệ thông tin, TMĐT tại làng nghề mộc Đạt Tài, xã Hoằng Hà, Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp Kiên Cường Đạt Tài, thôn Đạt Tài 1 đang từng bước tạo dựng niềm tin đối với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Công ty chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa... Từ năm 2016, công ty đã xây dựng trang thông tin để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm những khách hàng tiềm năng. Anh Nguyễn Trọng Cường, giám đốc công ty cho biết: Để tạo hiệu ứng, hằng tháng công ty chi một khoản kinh phí cố định để chạy quảng cáo cho doanh nghiệp trên các website uy tín có số lượng người truy cập lớn. Do đó, ngoài lượng khách hàng cố định, công ty thường xuyên có hợp đồng kinh doanh từ những khách hàng mới. Doanh thu hằng năm đạt 3 - 4,5 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa, cho thấy: Việc tận dụng TMĐT đã và đang trở thành phương thức kinh doanh hiện đại, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 10-25% so với sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, để ứng dụng TMĐT thực sự hiệu quả, các làng nghề cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các làng nghề để tạo sự khác biệt, nâng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Trích nguồn: baothanhhoa.vn