Nghề làm bánh lá răng bừa xã Xuân Lập (Thọ Xuân).
Quảng Xương là địa phương nổi tiếng với nghề sản xuất chiếu cói truyền thống. Hiện, toàn huyện có hơn 500ha diện tích đất trồng cói, tập trung ở các xã Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Khê, Quảng Long, Quảng Ngọc và Quảng Văn; sản lượng cói đạt gần 7.000 tấn/năm. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng và chế biến sản phẩm từ cói, những năm qua, huyện Quảng Xương đã có nhiều cơ chế, khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những hộ có tâm huyết với nghề được vay vốn để đầu tư mua máy dệt chiếu, mở rộng sản xuất; duy trì và mở rộng vùng trồng cói để đáp ứng yêu cầu nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, truyền nghề; khuyến khích phát triển các sản phẩm trên cơ sở ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng; nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, huyện còn chú trọng thành lập các HTX để hỗ trợ người dân sản xuất cũng như trở thành cầu nối giúp người dân tiêu thụ sản phẩm; tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm. Hiện, toàn huyện có khoảng 450 máy dệt chiếu, các loại máy kéo sợi, máy may bìa... Nghề dệt chiếu cói Quảng Xương không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho các hộ chủ máy mà còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, với thu nhập từ 3 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Đa dạng về mẫu mã, bền về chất lượng nên chiếu cói Quảng Xương không chỉ thu hút khách hàng trong tỉnh mà còn chiếm lĩnh ở thị trường ngoài tỉnh, như Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Hưng Yên... và xuất bán ra các nước như Trung Quốc, Lào, Thái Lan.
Là một trong những đất nghề của xứ Thanh, huyện Thọ Xuân được biết đến với các nghề, như làm bánh lá răng bừa, đan nón lá, nem nướng, bánh gai, kẹo lạc, nghề mộc... Với mục tiêu duy trì, phát triển nghề truyền thống, huyện đã ưu tiên một phần kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa của người dân. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, dự án, huyện thực hiện lồng ghép nguồn kinh phí nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư các loại máy móc hiện đại, nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nhất là tạo điều kiện hỗ trợ phát triển thị trường đối với các sản phẩm truyền thống đặc trưng của huyện.
Hiện nay, một số nghề truyền thống đang phát triển mạnh tại các địa phương trong tỉnh, như: đúc đồng Trà Đông, mây tre đan Hoằng Thịnh, mộc Đạt Tài, bánh gai Tứ Trụ, chiếu cói Nga Sơn, dệt nhiễu Hồng Đô... Tuy đa dạng, phong phú nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để duy trì và phát triển các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Khó khăn của các nghề truyền thống hiện nay là nguồn vốn đầu tư cho sản xuất còn hạn chế, hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề chủ yếu là nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm quản lý sản xuất; chưa chú trọng đầu tư máy móc thiết bị, công tác quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt lao động tay nghề cao là một trong những lý do khiến nhiều làng nghề chậm phát triển và có nguy cơ mai một. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cải tiến thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Mở rộng quy mô đào tạo và đa dạng các hình thức dạy nghề nhằm tạo ra những người có trình độ sản xuất, kinh doanh giỏi, có khả năng tiếp nhận những nghề mới; khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi dạy nghề, truyền nghề và thiết kế mẫu mã kiểu dáng sản phẩm để tạo ra các sản phẩm giữ được nét truyền thống và đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm truyền thống của địa phương, các hội chợ triển lãm, khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn được tiếp cận vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.