Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong phát triển ngành nghề công nghiệp nông thôn và các làng nghề ở Thanh Hóa là xu thế mới trong những năm qua. Đây là công cụ kinh doanh cực kỳ hữu ích giúp doanh nghiệp thúc đẩy thị trường và cũng là sân chơi đầy tiềm năng và thách thức.
Sản xuất nghề mộc tại thôn Đạt Tài 1, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa).
Tháng 3 năm nay, Thanh Hóa khai trương phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa, thu hút 130 chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh tham gia. Tuy nhiên những khoảng trống trong ứng dụng công nghệ để kết nối cung cầu và quảng bá sản phẩm vẫn còn rất lớn. Một số ngành nghề truyền thống phát triển mạnh như mộc dân dụng, đúc đồng, chế biến hải sản, làm nem giò, may đo thủ công… vẫn đang loay hoay tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Ngay cả các làng nghề truyền thống vốn có thương hiệu truyền thống lâu đời, đã xuất khẩu ra thị trường thế giới như chiếu cói Nga Sơn, đá mỹ nghệ làng Mai… cũng chưa tạo được đầu ra ổn định.
Lâu nay, hoạt động kinh doanh ở các làng nghề hầu như vẫn tiến hành theo phương pháp truyền thống, mua bán tận tay. Không nhiều cơ sở, doanh nghiệp tận dụng được thế mạnh, tiện ích của TMĐT và sàn giao dịch trực tuyến. Để giải quyết bài toán này, Sở Công Thương Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng công nghệ, phát triển TMĐT nhằm khai thác thông tin thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.
Làng nghề mộc truyền thống Đạt Tài, xã Hoằng Hà (huyện Hoằng Hóa) từ lâu đã tạo được niềm tin đối với khách hàng trong và ngoài nước. Toàn xã Hoằng Hà có 110 hộ làm nghề mộc, 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh gỗ, tạo việc làm thường xuyên cho gần 300 lao động, tổng doanh thu từ nghề mộc truyền thống bình quân gần 40 tỷ đồng/năm. Dù sản phẩm đã xuất đi nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á song số lượng cơ sở, doanh nghiệp ở làng nghề mộc Đạt Tài ứng dụng công nghệ thông tin và TMĐT trong kinh doanh còn rất ít. Hầu hết, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đồ mộc chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm thông qua các kênh thông tin đơn thuần hoặc qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo...) nên hiệu quả chưa cao.
Tem điện tử truy xuất nguồn gốc được sử dụng cho các sản phẩm nông nghiệp.
Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp Kiên Cường Đạt Tài, thôn Đạt Tài 1 (xã Hoằng Hà) được coi là điểm sáng trong mô hình kinh doanh sản xuất đồ mộc ứng dụng công nghệ thông tin, TMĐT. Chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, từ năm 2016, Công ty đã xây dựng trang thông tin để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Ông Nguyễn Trọng Cường, Giám đốc Công ty cho biết: “Mỗi tháng chúng tôi chi một khoản kinh phí cố định để chạy quảng cáo cho doanh nghiệp trên các website uy tín có số lượng người truy cập lớn. Do đó, ngoài lượng khách hàng cố định, Công ty thường xuyên có hợp đồng kinh doanh từ những khách hàng mới. Doanh thu hằng năm đạt 03 - 4,5 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động, thu nhập bình quân 05 triệu đồng/người/tháng”.
Thành công của Kiên Cường Đạt Tài chính là một gợi ý rất tốt cho nhiều cơ sở, doanh nghiệp CNNT ở các làng nghề mạnh dạn đầu tư công nghệ, phát triển marketing online và TMĐT. Trong bối cảnh “người khôn của khó”, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, miếng bánh thị trường cũng bị chia nhỏ nhiều hơn. Lạc hậu về công nghệ có nghĩa là đã tự chấp nhận thua cuộc trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 này.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Thanh Hóa cho biết, việc tận dụng TMĐT mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 10 - 25% so với phương thức kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, để ứng dụng TMĐT thực sự hiệu quả, các làng nghề cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các làng nghề để tạo sự khác biệt, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
Trích nguồn: congnghieptieudung.vn