Thanh Hoá: Đứng thứ 10 cả nước về tổng số sản phẩm OCOP

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến tháng 8 năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã có 120 sản phẩm OCOP, đứng thứ 10 cả nước về tổng số sản phẩm.Trong đó, có 1 sản phẩm OCOP 5 sao, 30 sản phẩm OCOP 4 sao và 89 sản phẩm OCOP 3 sao.


Thanh Hoá xác định chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh.

Đến nay, có 60/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 4.798 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 2.981 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao, 1.735 sản phẩm 4 sao và 82 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Tỉnh Thanh Hóa là 1 trong 60 tỉnh, thành có sản phẩm OCOP với 100 sản phẩm đã được UBND tỉnh quyết định công nhận và 20 sản phẩm đang chờ công nhận. Những địa phương xếp trước tỉnh Thanh Hóa về số lượng sản phẩm, gồm: Hà Nội với 1.054 sản phẩm, Quảng Ninh 236 sản phẩm, Hà Giang 188 sản phẩm, Quảng Nam 188 sản phẩm, Đồng Tháp 161 sản phẩm, Hà Tĩnh 157 sản phẩm, Nam Định 146 sản phẩm, Gia lai 144 sản phẩm, Bắc Cạn 131 sản phẩm.

Sản phẩm OCOP 4 sao

Như vậy, sau hơn 3 năm triển khai chương trình OCOP đã khơi dậy những lợi thế, tiềm năng của tỉnh Thanh Hoá. Chương trình giúp nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của người nông dân về phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tham gia vào chuỗi giá trị, tập trung nuôi trồng theo định hướng, kế hoạch, thiết kế vùng sản xuất. Các chủ thể tham gia chương trình OCOP còn được tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ quản trị sản xuất, marketing bán hàng, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Góp phần nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân và phát triển kinh tế xã hội nông thôn bền vững.

Tỉnh Thanh Hóa đã có 120 sản phẩm OCOP, đứng thứ 10 cả nước về tổng số sản phẩm.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Thanh Hoá xác định chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh. Là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, của UBND các thành phố, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn, của từng sở, ngành. Theo đó, tỉnh tích cực thông tin, tuyên truyền, thành lập hệ thống chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở; chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại…; khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng; ứng dụng công nghệ cao quy trình khép kín, tăng năng suất lao động và sản xuất, theo dõi quản lý chặt chẽ có hệ thống; công nghệ nhận diện thông minh đối với sản phẩm như tem điện tử phục vụ truy xuất nguồn gốc… Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hoá cũng sẽ thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh thành thực hiện tốt chương trình OCOP nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành và triển khai tại tỉnh; thúc đẩy kết nối giao thương hàng hóa sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại quốc tế./.

Trích nguồn: langnghedulichhoanghoa.vn