TỂ TƯỚNG ĐẦU TRIỀU LÊ SƠ PHẠM VẤN

             Phạm Vấn quê làng Nguyễn Xá, huyện Lương Giang, nay là huyện Thọ Xuân. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, ngay từ buổi đầu, được xếp vào loại đệ nhất công thần. Năm 1429, Phạm Vấn được phong làm Nhập nội Bình chương quân quốc trọng sự tức Tể tướng đứng đầu bá quan văn võ. Bởi Phạm Vấn được tứ quốc tính mang họ vua nên sử sách thường chép tên Lê Vấn. Nhưng đời Lê Thánh tông ban lệnh chỉ ai trở về họ ấy để giữ nguồn gốc, bởi thế ở đây sửa lại họ Phạm.

Không rõ ông sinh năm nào, chỉ biết Phạm Vấn là một trong 18 tướng dự Hội thề Lũng Nhai và đứng dưới cờ khởi nghĩa Lam Sơn, trải trăm trận, vào sinh ra tử, luôn luôn ở bên cạnh Bình Định vương Lê Lợi, hết lòng phò tá chủ tướng “Khi linh sơn lương cạn mấy tuần, lúc Khôi Huyện quân không một đội”...

Cuối năm 1424, Lê Lợi tiến quân vào Nghệ An, bị giặc đón đánh cả hai phía ở núi Bồ Lạp, chỉ huy quân Minh là Sư Hựu cùng tri phủ châu Trà Lân là Cầm Bành đem 5.000 quân đón mặt trước, các tướng Minh: Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Thái Phúc dẫn binh sĩ đánh vào phía sau. Hôm ấy, trời sắp tối, Lê Lợi chia quân và voi mai phục trong rừng chờ địch. Một lát, quân Minh cho bọn Trần Trí chỉ huy kéo đến, Phạm Vấn cùng các tướng Lam Sơn cố sức đánh, phá được thế bao vây của địch, tướng Minh là Đô ty Trần Trung và hơn 2 nghìn sĩ tốt bị giết.

Sau khi hạ thành Trà Lân, bức hàng Cầm Bành, Lê Lợi muốn đánh thành Nghệ An, nhưng quân Minh đã chủ động đem đại binh mã và thuyền chiến, cả thủy bộ cùng tấn công trước vào nghĩa quân. Địch đóng quân ở Lận Thư và cửa ải Khả Lưu, Lê Lợi chọn quân mai phục ở Bồ Ải rồi sai quân tinh nhuệ đến khiêu chiến. Địch cậy lực lượng đông mạnh đuổi quân ta đến Bồ Ải. Các viên tướng dũng mãnh như Phạm Vấn cùng các tướng giỏi Đỗ Sát, Lê Ngân, Đinh Lễ, Nguyễn Xí... đua nhau xông lên tung hoành trong đám giặc, chém đầu chúng nhiều vô kể, thây lấp đầy núi, xác giặc lấp đầy sông, thuyền bè đắp chặn ngang dòng nước chảy xuống Lam Giang. Tướng tiền phong địch Hoàng Thành bị giết, đô ty Chu Kiệt bị bắt sống cùng hàng nghìn sĩ tốt. Các tướng chỉ huy Trần Trí, Sơn Thọ thu nhặt tàn quân chạy thục mạng về thành Nghệ An, đóng cửa cố thủ. Nghĩa quân thừa thắng vây thành Nghệ An ba ngày, thanh thế lừng lẫy, các châu, huyện ra hàng. Phạm Vấn được phong chức Thiếu úy.

Mùa xuân 1427, Lê Lợi tiến quân ra Bắc vây thành Đông Đô (Hà Nội) sau khi thu phục Nghệ An. Bình Định vương sai Phạm Vấn đóng đồn ngoài cửa Đông thành để cô lập quân giặc trong thành, không cho tự do ra vào liên lạc với các thành khác. Phạm Vấn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tháng 6 năm ấy (âm lịch), ông được thăng chức Tư mã. Lê Lợi khuyên dặn Phạm Vấn: “Chức vị đã cao nên hôm sớm chuyên cần, không được trễ nãi mà bỏ công lao trước”. Và Bình Định vương ban cho một cái tán để tỏ rõ công lao rực rỡ.

Khi Đỗ Sát (Lê Sát) và các tướng chặn đánh viện binh nhà Minh, chém tướng Liễu Thăng ở ải Chỉ Lăng, rồi vây Thôi Tụ, Hoàng Phúc tại Xương Giang, Lê Lợi lại sai Phạm Vấn, Lê Khôi đem 3.000 tinh binh trợ chiến, chém 5 vạn tên, bắt sống các tướng Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng 3 vạn quân, thu được toàn thắng. Tướng Mộc Thạnh sợ hãi, đem tàn quân rút chạy. Vương Thông chỉ huy toàn quân Minh đóng ở trong thành Đông Đô xin hòa vì thế quân Minh đã cùng, lực đã kiệt. Đất nước ta hoàn toàn giải phóng, thành trì các châu, huyện đều bó tay chịu trói.

Tháng hai niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (1428), Vua Lê Lợi hạ chiếu cho những người lĩnh chức Hỏa thủ quân Thiết đột, cùng những ai có công khó nhọc từ hồi Lũng Nhai, chia ra các thứ bậc để ban thưởng, Phạm Vấn được xếp công đầu, vua trao chức Vinh Lộc đại phu, tả Kim ngô vệ đại tướng quân, tước Thượng Trí tự, phong suy trung tán trị hiệp mưu Bảo chính công thần. Ít lâu sau, ông lại được thăng lên Nhập Nội kiểm hiệu Bình Chương quân quốc trọng sự và làm Tể phụ đứng đầu bá quan văn võ (tức Tể tướng):

Bài chế văn của vua viết:

“Trẫm nghĩ: Chống kẻ thù của vua phải nhờ ở tài đánh dẹp, giữ cán cân của nước, nên dùng người cũ có công. Ngươi là kẻ nguyên thần trọng vọng, thăng cho chức tể tướng tôn vinh. Bá cáo khắp triều đình, thỏa lòng cả dân chúng”.

“Xét... (Phạm Vấn)... đây: Ngay thẳng mà có tiết tháo, quyết đoán mà nhiều mưu hay. Đương lúc mới dấy nghĩa quân, là ngày đổi hết vận bĩ. Nằm gai nếm mật cố chí lo toan, cướp đất đánh thành, nhiều công khôi phục. Trận ở Ba Lẫm, Bồ Đằng, thế như đập cành khô củi mục. Trận ở Khả Lưu, Xương Giang, bày ra cách quyết thắng, mưu kỳ. Cho nên trừ được bọn chó lợn hung tàn lâu năm, rửa được mối sỉ nhục nước nhà muôn thuở. Như gió lướt, sét đánh qua nhanh, trời đất chuyển sang vận mới, cho nhật nguyệt càng thêm tỏ, non sông bền vững muôn đời. Công nghiệp như thế sao chẳng ngợi khen”.

“Vì vậy, cất lên chức tể phụ, dự vào việc cầm cân. Để vững thế nước như ao nóng thành vàng, để trọng quan chiêm như núi cao đá vững. Than ôi! Vua tôi nhờ cậy, trẫm mới giao cho trách nhiệm như chân tay, mơ, muối vừa chừng, người phải khéo nêm canh cho đỉnh vạc”.

Năm Thuận Thiên thứ hai (1429) ban biển ngạch công thần cho 93 người, Huyện thượng hầu là bậc cao nhất. Bậc này cao nhất gồm có 3 người: Phạm Vấn đứng đầu rồi đến Đỗ Sát (Lê Sát) và Phạm Văn Xảo. Như vậy, Phạm Vấn là đệ nhất công thần triều Lê Thái tổ, Lê Thái tông, cũng là đệ nhất anh hùng khởi nghĩa Lam Sơn trong sự nghiệp đánh đuổi quân Minh, giành lại đất nước, giữ vững nền độc lập.

Năm 1433, trước giờ phút lâm chung, Lê Thái tổ di chiếu cho Phạm Vấn, Đỗ Sát, Lê Ngân lập thái tử lên ngôi và ba ông làm Phụ chính đại thần. Bởi thái tử còn nhỏ tuổi chưa đủ sức đảm đương việc nước. Dùng cả 3 đại thần làm phụ chính, Thái tử muốn dùng trí lực của một tập thể giúp vua nhỏ cai trị việc nước. Nhưng ba ông bản tính lại có phần khác nhau, nhiều khi Đỗ Sát muốn lấn lướt cả Lê Ngân, Phạm Vấn, cầm quyền số một trong việc quyết định đại sự nên xảy ra xung khắc dẫn tới xung đột. Vì thế Đỗ Sát thường bị triều thần xem là quyền thần lấn át cả mệnh vua. Phạm Vấn tuy làm tể tướng vẫn không tranh quyền hơn thua với Đỗ Sát nên gây được không khí đoàn kết cùng nhau lo giúp vua gánh vác đại sự quốc gia.

Tháng tư năm Giáp Dần (1434) sau khi Thái tổ mất mới được một năm có thư nặc danh tố cáo Đại tư đồ Đỗ Sát và Tể tướng Phạm Vấn cùng mưu giết Lưu Nhân Chú. Đỗ Sát ngờ thư ấy của giám sinh Nguyễn Đức Minh, bắt đem khảo đả. Phạm Vấn phân vân thấy khó nói vì mình là đồng phạm với Đỗ Sát. Nguyễn Đức Minh không nhận tội. Đỗ Sát vẫn truyền lệnh đem chém Nguyễn Đức Minh. Lúc sắp đem hành quyết, Hình quan tâu là tội trạng Đức Minh chưa rõ ràng nên cần được giảm tội. Tể tướng Phạm Vấn cũng nghĩ vậy, nhưng lại không muốn làm mất lòng Đỗ Sát, nên đồng ý với Hình quan cho giảm tội, chỉ xử đày Nguyễn Đức Minh và tịch thu gia tài.

Tháng 5 cùng năm (1434), Nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ và học sĩ Lê Cảnh Xước muốn sửa chữa mấy chữ trong tờ biểu dâng vua nhà Minh của Thừa chỉ Nguyễn Trãi, bị Nguyễn Trãi mắng: “Bọn các ngươi là bề tôi vét thuế, gặp đại hạn này đều do các ngươi mà nên cả!”. Thúc Huệ tức, đem chuyện Nguyễn Trãi có ý chỉ trích vua và tể tướng, tố cáo với Đại tư đồ Đỗ Sát và Đô đốc Vấn. Hai ông giận lắm, trách Nguyễn Trãi: “Làm đến nỗi có thiên tai không phải là lỗi của bọn ấy, là lỗi của vua và tể tướng sao các ông trách nhau quá lắm thế?”. Nguyễn Trãi tạ từ nói: “Thúc Huệ chỉ có tài nhỏ vét thuế má mà ở nơi then chốt của thiên hạ, mỗi khi có sách tâu vào đều chỉ muốn vơ của dân về cho quan, để mong hợp với ý vua, cho nên tôi nhân việc này mà nói ra, không dám chê bàn gì đến quân tướng cả”. Đỗ Sát vẫn chưa nguôi giận. Riêng Phạm Vấn thôi không nói gì.

Tháng 12 năm ấy (1434) xảy chuyện Ngôn quan là Phan Thiên Tước dâng sớ hạch tội Tiền quan Tổng quản Lê Thụ: Đang có quốc tang mà lấy vợ, làm nhà cửa to, sai người ra cõi ngoài mua bán riêng với người ngoại quốc, làm gương cho các đại thần bắt chước đều bắt quân nhân làm nhà cửa lớn! Vua bèn sai Phan Thiên Tước đi khắp các nhà đại thần kiểm xét rõ ràng. Vua hỏi: Các đại thần đều không có việc ấy chăng? Sao ngươi chỉ tâu có một mình Lê Thụ? Bấy giờ Phan Thiên Tước lại dâng sớ tâu những người làm nhà mới từ Tham tri Đông đạo Lê Định trở xuống đến Tổng quản hơn 20 người, vua đều không hỏi đến, chỉ sai xét một mình Lê Thụ. Phạm Vấn là Lê Ngân cho Lê Thụ là bậc thân huân, cố giải cứu hộ, vua mới tha tội cho Thụ, chỉ tịch thu số vàng bạc mua riêng ở nước ngoài và bắt ông phải bỏ người vợ lẽ mới lấy.

Có 7 tên trộm đều là kẻ tái phạm, theo luật pháp đáng tử hình. Đỗ Sát nói quốc pháp vô thân! Lê Ngân nói: Giết nhiều người xương đầy đường khó đi thôi! Phạm Vấn rất phân vân bàn với hai đại thần nên xin ý chỉ nhà vua. Vua Thái tông mới 14 tuổi đem việc khó xử này hỏi Thừa chỉ Nguyễn Trãi. Ông Viện trưởng Hàn lâm này vốn chuộng nhân nghĩa, tâu vua xin dùng đức để cảm hóa. Đỗ Sát nói: “Xin giao bọn người ấy cho Hàn lâm Thừa chỉ dùng nhân nghĩa để cảm hóa chúng”. Lê Ngân đồng ý giao cả 7 tên cho Nguyễn Trãi đứng bảo quản. Nguyễn Trãi từ tạ: Pháp luật và chế độ triều đình còn không giáo hóa được chúng, như Trãi này có đức độ gì mà làm cho kẻ ác thành thiện.

Nhà vua lệnh chém 2 tên đầu sỏ, còn 5 tên xử tù chung thân.

Năm 1436, Phạm Vấn mất, thọ bao nhiêu tuổi, không có tài liệu nào ghi chép. Ông được truy tặng chức Thái phó là chức vị cao cả, thuộc “Tam thái”: Thái sư, Thái phó, Thái bảo, đứng vào Chánh nhất phẩm theo chế độ quan chức nhà Lê.

Nói chung cách trị nước, Phạm Vấn thiên về “đức trị”. Nhờ vậy, ông để tiếng tốt trong thiên hạ đương thời, được nhiều người quý mến.

Theo Báo Thanh Hóa