Với người dân xứ Thanh, việc duy trì và phát huy làng nghề truyền thống là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Bởi ngoài việc gìn giữ những nét đẹp truyền thống của cha ông, đây còn là nguồn sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Nghề làm nón Trường Giang (Nông Cống) tạo việc làm và thu nhập khá cho người dân địa phương
Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 36 nghề với 118 làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), với 75 làng nghề, làng có nghề truyền thống đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận làng nghề. Trong đó, có 2 nhóm làng nghề hoạt động tốt gồm: Nhóm làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm (TP Thanh Hóa, Thọ Xuân, Tĩnh Gia, Hậu Lộc...); nhóm làng nghề sản xuất TTCN (Nga Sơn, Hoằng Hóa, Cẩm Thủy, Thiệu Hóa...). Đây được xem là một trong những nguồn tài nguyên vô giá để phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc sắc đặc trưng riêng, đồng thời cũng là nguồn sinh kế cho bà con các địa phương.
Là người có hàng chục năm gắn bó với nghề làm bánh đa, chị Lê Thị Huệ, thôn Đắc Châu 1, xã Thiệu Châu (Thiệu Hóa), cho biết: “Tôi gắn bó với nghề này từ lúc 14, 15 tuổi. Cũng chẳng biết nghề có từ bao giờ nhưng khi sinh ra tôi đã thấy ông bà, bố mẹ làm bánh rồi. Trung bình mỗi ngày tôi thường tráng được khoảng 1.000 chiếc bánh. Những hôm đơn hàng nhiều thì có người tráng phụ thêm. Ở những gia đình làm nghề truyền thống này, phụ nữ, đàn ông đều biết tráng bánh. Những hộ gia đình gắn bó với nghề làm bánh đa này đều có kinh tế tương đối ổn định”.
Cũng là một trong những nơi có làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi, ông Đậu Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã Trường Giang (Nông Cống) chia sẻ: Hiện toàn xã có 900 hộ làm nón, giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Nghề làm nón tuy thu nhập không cao nhưng tạo ra việc làm thường xuyên cho người dân địa phương. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện, khuyến khích bà con tiếp tục truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, bởi đây không đơn thuần là việc mang lại thu nhập cho các hộ gia đình mà còn là trách nhiệm gìn giữ nét văn hóa truyền thống của ông cha để lại.
Để bảo tồn, phát huy những giá trị của làng nghề truyền thống (đặc biệt là nghề CN - TTCN), đồng thời tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách và đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 409/2006/QĐ-UBND của UBND tỉnh về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển TTCN và ngành nghề, đã hỗ trợ đào tạo, duy trì nghề 56.298 lao động và hỗ trợ thu hút 366 lao động (chính sách thực hiện từ năm 2014); thực hiện Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, sau 3 năm đã hỗ trợ được 3 dự án đầu tư sản xuất tại huyện miền núi; thực hiện Quyết định số 3567/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh, sau 5 năm thực hiện đã hỗ trợ: Máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; quảng bá sản phẩm trên các kênh thông tin; tham gia hội chợ; tham quan, học tập kinh nghiệm; hỗ trợ đào tạo 2.550 lao động và 60 dự án đưa máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; chương trình Khuyến công Trung ương đã hỗ trợ đào tạo 13.600 lao động; 15 dự án đưa máy móc thiết bị vào sản xuất; 15 mô hình trình diễn. Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh, huyện, xã đã hỗ trợ 7 làng nghề để xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý hệ thống nước thải, rác thải (xây dựng cụm làng nghề cơ khí xã Tiến Lộc (Hậu Lộc); xây dựng cụm làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô (Thiệu Hóa)...
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng đến việc phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch nhằm thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước tham quan và trải nghiệm. Hiện Thanh Hóa vẫn tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án phát triển du lịch cộng đồng tại làng Năng Cát (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh); xã Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy); và các huyện Bá Thước, Như Thanh, Vĩnh Lộc, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện có tiềm năng: Quan Hóa, Quan Sơn, Như Thanh, Thường Xuân... Khai thác, phát huy các làng nghề phục vụ phát triển du lịch nhằm kết nối các khu, điểm du lịch, góp phần quan trọng tạo nên tính hấp dẫn cho tuyến du lịch, khắc phục cơ bản khó khăn về những khoảng cách giữa các khu, điểm du lịch...
Một thực tế hiện nay cho thấy, việc phát triển các làng nghề truyền thống mặc dù đã có chuyển biến tích cực nhưng các sản phẩm truyền thống và các dịch vụ phục vụ du lịch tại các làng nghề chưa phong phú, đa dạng về mẫu mã cũng như chất lượng. Thu nhập của một số làng nghề thấp nên không thu hút được nhiều lao động tham gia; các nghệ nhân có tay nghề cao ở các làng nghề ngày càng ít trong khi thế hệ trẻ hiện nay ngại học nghề truyền thống của thế hệ cha ông; trong khi đó, cách thức hoạt động của các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp... Vì vậy, việc phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân đang được cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh, thông qua lồng ghép, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh để hỗ trợ các làng nghề; tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng nhằm phục vụ du lịch.
Để tạo ra nhiều sinh kế giúp người dân nâng cao thu nhập từ các làng nghề truyền thống, cần phải tập trung xây dựng, phát triển các tour, tuyến du lịch đến các làng nghề; phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá giá trị văn hóa; nâng cao nhận thức và khả năng sáng tạo của người dân; định hướng thị trường cho sản phẩm làng nghề; đầu tư cơ sở hạ tầng; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, để làng nghề truyền thống không chỉ là không gian bảo tồn văn hóa của người dân địa phương.
Trích nguồn: http://baothanhhoa.vn/