I. Hành cung Vạn Lại, Đền thờ nhà Lê Thế kỷ XVI:
1. Lịch sử hình thành:
Thế kỷ XV là thời kỳ thịnh đạt của vương triều Lê, đặc biệt là dưới triều Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Sang thế kỷ XVI, sự sa đoạ của triều đình và bộ máy quan lại làm cho triều Lê bắt đầu trượt dần sang con đường suy vong. Nội bộ chia thành nhiều phe phái, tranh giành quyền lực, đánh giết lẫn nhau. Năm 1509, vua Uy Mạc phải tự tử, tiếp sau đó vua Tương Dực bị Trịnh Duy Sản giết năm 1516. Vua Quang Trị mới lập được 3 ngày, chưa kịp đặt niên hiệu cũng bị giết hại. Trong cuộc tranh giành đó, Mạc Đăng Dung đã dần dần nắm hết mọi quyền binh, giết vua Lê Chiêu Tông năm 1521. 5 năm sau, Mạc Đăng Dung bắt vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi, giáng phong vua làm cung vương rồi giam cùng Hoàng Thái Hậu ở trong cung, vài tháng sau bắt cả 2 người tự tử. Mạc Đăng Dung xưng hoàng đế và lập ra vương triều Mạc.
Như vậy là nhà Lê mất ngôi báu vào tay họ Mạc, nhưng ánh hào quang tạo nên qua một thế kỷ trị vì vẫn còn khắc sâu trong tâm tư, tình cảm của nhiều tầng lớp nhân dân. Sau khi nhà Mạc thành lập, một số quan lại và tôn thất triều Lê đã nổi lên chống Mạc nhằm khôi phục ngai vàng của nhà Lê. Người đề xướng và cũng là người có công lớn trong cuộc trung hưng nhà Lê là Nguyễn Kim. Viên cựu thần triều Lê quê ở trang Gia Miêu ngoại, huyện Tống Sơn (Thanh Hoá). Ông đã chọn vùng Sầm Châu (Ai Lao) làm căn cứ để tập hợp và gây dựng lực lượng, tôn phò Lê Duy Ninh lên ngôi ở Ai Lao vào năm 1533. Từ đây nhà Lê tiếp tục tồn tại thêm 255 năm với 17 đời vua tới thế kỷ XVIII. Từ năm 1533 Nguyễn Kim rồi tiếp đến là Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng đã dương cao ngọn cờ "phù Lê diệt Mạc" để 60 năm sau quét sạch quân Mạc ra khỏi kinh thành, đưa ngai vàng vua Lê trở lại chính điện ở kinh thành Thăng Long.
Trong lịch sử nước ta, đây là thời kỳ tồn tại song song hai vương triều: Nhà Mạc ở phía bắc gọi là Bắc triều và nhà Lê ở Thanh Hoá gọi là Nam Triều. Trong suốt hơn nửa thế kỷ, cuộc xung đột tranh giành quyền lực giữa 2 vương triều diễn ra quyết liệt.
Trong lúc Nguyễn Kim đang triệu tập lực lượng ở Ai Lao, năm 1530, ở Thanh Hoá nổi lên cuộc khởi nghĩa của Lê Ý, thuộc dòng dõi cháu ngoại họ Lê. Lực lượng khởi nghĩa ngày càng lớn mạnh với số lượng đến hàng vạn người. Từ căn cứ ở vùng Da Châu (miền thượng du ở Thanh Hóa), lực lượng khởi nghĩa đã tiến quân xuống khu vực Tây Đô. Mạc Đăng Dung có vài lần đích thân chỉ huy vài vạn quân vào đánh nhưng vẫn không dập tắt được cuộc khởi nghĩa. Tháng 8 năm 1530, Mạc Đăng Dung và Mạc Quốc Trinh chỉ huy 2 cánh quân tiến công Tây Đô. Quân Lê Ý chặn đánh thuỷ quân địch ở vùng Sông Mã (đoạn cuối bên dưới chợ Sét) và cánh quân bộ ở vùng đồng bằng tiêu hao nhiều sinh lực địch, buộc quân Mạc phải rút lui. Đến tháng 12 năm 1530. Lê Ý bị quân Mạc bắt sống, cuộc khởi nghĩa hoàn toàn tan vỡ.
Từ năm 1537, khi viên tướng Mạc quản lĩnh 7 huyện xứ Thanh Hoá là Tây An hầu Lê Phi Thừa quay về với Nam Triều, lực lượng của Nguyễn Kim ngày càng lớn mạnh, năm 1539 đến năm 1542 Nguyễn Kim đem quân tiến đánh nhiều vùng ở Thanh Hoá, Nghệ An, thanh thế ngày một lừng lẫy. Từ năm 1545, khi Nguyễn Kim mất, con rể ông là Trịnh Kiểm thay ông nắm giữ binh quyền. Năm 1546, vua Lê lập hành điện ở sách Vạn Lại.
Nhà vua phong Trịnh Kiểm làm đô tướng tiết chế dinh quân thuỷ bộ các sứ, kiêm nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, thái sự Lạng quốc công. Phàm binh quyền, công việc nhà nước mưu lược trù tính, phong tước bổ quan xa gần đều được tuỳ tiện xử quyết rồi sau mới tâu vua. Lạng quốc công càng dốc lòng trung trinh, phán công việc gì đều quyết đoán rõ ràng, mọi việc đều đâu ra đấy.
Trịnh Kiểm được vua uỷ cho mọi việc quân quốc bèn nghĩ đến việc đặt địa điểm làm nơi hành điện. Với con mắt của 1 võ tướng, ông đã tìm về Vạn Lại, quả là một nơi thuận lợi, vừa có thể thủ vừa có thể công, tiến lui đều thuận lợi. Khi tiến có thể theo sông Lương xuôi dòng, nhập vào sông Mã để ra Bắc vào Nam. Từ Vạn Lại qua sông là huyện Lôi Dương có đường đi vào Nghệ An. Trịnh Kiểm và quân sĩ đã nhiều lần từ Vạn Lại ra Bắc, vào Nam. Còn khi lui, phía sau Vạn Lại là cả vùng rừng núi bao la, thủơ xưa Lê Thái Tổ đã dùng nơi này làm căn cứ dấy nghĩa.
Với cách nhìn của nhà chiến lược, Thái sư Trịnh Kiểm cho rằng: " ...Lập quốc tất phải làm căn cứ vào nơi hiểm trở. Sách Vạn Lại núi đứng sừng sững, nước uốn quanh thực đáng gọi là hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm cho dấy nghiệp đế vương... (1)
Vua tôi nhà Lê về Vạn Lại mùa xuân năm Bính Ngọ, Nguyên Hoà thứ 14 (1546) từ Vạn Lại, quân nhà Lê ra quân đánh đâu được đấy, hào kiệt ở các nơi Ô, Quảng, Hoan, Diễn ( Ô: Quảng Trị, Thừa Thiên; Quảng: Quảng Nam, Quảng Ngãi; Hoan, Diễn: Nghệ An, Hà Tĩnh) đua nhau về dinh môn, ai cũng vui lòng giúp sức. Xem thế thì biết Vạn Lại thuở ấy là nơi hào kiệt bốn phương trông về với lòng ngưỡng mộ. Từ đây những sắc phong, lệnh chỉ được ban ra khắp nơi.
Một triều đình có văn quan, võ tướng uy nghi được thiết lập. Hành điện được dựng lên, giữa một vùng đồi Vạn Lại, dấu tích còn lại là những voi đá, ngựa đá, gạch ngói, nền móng cung điện ...
Chứng tích của một thờ Vạn Lại huy hoàng với cung điện uy nghi. Vua Lê ngự ở đây làm chỗ cho quân sĩ khắp nơi hướng về. Cũng ở đây, sĩ tử cả nước lục tục kéo về tìm đường tiến thân. Những kỳ thi Hội, thi Đình đựoc mở ra trên đất Vạn Lại. Làng Vạn Lai trở thành một trong ba nơi tổ chức thi tiến sĩ của cả nước (Thăng Long, Vạn Lại, Huế).
Tại Vạn Lại, mùa xuân tháng giêng, ngày 29 năm thứ Nguyên Hoà thứ 16 (1548) vua Trang Tông, vị vua mở đầu thời Lê Trung Hưng băng hà. Sách Đại Việt Sử ký bản kỷ tục biên ghi: "Vua Huý là Ninh, lại Huý là Huyến, ở ngôi 16 năm, thọ 36 tuổi. Vua gặp vận gian truân, phải đi lánh nạn, nhờ được bề tôi cũ tôn lập, bên ngoài kết nước láng giềng, bên trong dùng đựơc tướng giỏi, cho nên người đều vui lòng làm việc, nền móng Trung Hưng gây ra từ đây." Vạn Lại là đất địa linh có mạch phát đế vương nên được nhiều vua chúa chọn làm sinh phần. Vua Trang Tông được an táng ở Vạn Lại, nay vẫn còn bia và dấu vết của mộ chí, khu mộ này được gọi là Cảnh Lăng.
Trên đất Vạn Lại, thái tử Huyến lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Bình. Đất đai nhà Lê dần dần được khôi phục.
Khoảng thời gian 46 năm (1546 - 1593) Vạn Lại - Yên Trường diễn ra nhiều sự kiện. Theo sách Đại Việt Sử ký toàn thư hành điện được chuyển qua lại giữa hai nơi này mấy lần. Từ năm Bính Ngọ (1546) đến năm Quý Sửu (1553) ở Vạn Lại từ tháng 6 năm Quý Sửu (1553) đến tháng 4 năm Canh Ngọ (1570) ở Yên Trường, từ tháng 5 năm Canh Ngọ (1570) đến tháng 8 năm Đinh Sửu (1577) ở Vạn Lại, từ tháng 9 năm Đinh Sửu (1577) đến tháng 6 năm Mậu Dần (1578) đến tháng 3 năm Quý Tỵ (1593) đóng tại Vạn Lại (đến khi vua Lê trở về Thăng Long).
Tuy có lần hành dinh chuyển về Yên Trường nhưng Vạn Lại vẫn là nơi căn bản, mỗi khi có biến lại chuyển về Vạn Lại. Sách " các nhà khoa bảng Việt Nam" nói: Các cuộc thi tiến sĩ đều diễn ra ở thời kỳ chiến sự đang diễn ra quyết liệt nói lên sự bình tĩnh của vua tôi nhà Lê những ngày ở Vạn Lại. Chiến tranh mở ra ở khắp nơi, Thanh Hoá trở thành bãi chiến trường vẫn lo tìm ra được những gương mặt lo việc nước, những năm cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Đó là các tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thực, Lê Trạc Tú ... Trong số 45 người đỗ tiến sĩ ở Vạn Lại có hơn 30 người trở thành thượng thư, nhiều người đi xứ, nhiều người thi đỗ ở lại làm quan đóng trên đất Vạn Lại, gắn bó với vùng đất muôn nhờ này. Trong số họ phải kể đến Phùng Khắc Khoan.
Phùng Khắc Khoan có 42 năm sống và làm việc ở Vạn Lại. Theo Lê Quý Đôn thì Phùng Khắc Khoan có nhà riêng ở Vạn Lại, khi về hưu lần đầu (1583) ông về sống ở Vạn Lại. Phùng Khắc Khoan người làng Bùng (Sơn Tây) tuy ông không đậu trạng Nguyên nhưng nhân dân đã quý mến tôn vinh gọi ông là trạng Bùng. Ông sinh năm 1528 và theo lời thầy ông là Trạng Nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm không đi thi dưới triều Mạc mà đi vào Thanh Hoá phò vua Lê. Phùng Khắc Khoan có mặt tại Vạn Lại vào khoảng năm 1550.
Trịnh Kiểm biết ông là người có tài mưu lược, học thức uyên bác bèn giữ lại trong lữ, cho tham dự việc cơ mật, họp bàn nơi màn trướng. Ông dự khoa thi Hương (1557) và thi Hội (1580), đỗ Đệ nhị giáp Tiến Sĩ xuất thân (Hoàng Giáp). Những năm ở Vạn Lại, Phùng Khắc Khoan giữ chức ký lục ở ngự doanh và trông coi dân quân bốn vệ. Theo truyền thuyết, ông được Chuá Trịnh coi là người tâm phúc và từng cử ra Hải Dương thăm hỏi và dò ý Nguyễn Bỉnh Khiêm về việc bỏ nhà Lê, lập nhà Trịnh, nghe theo lời thầy Khiêm, khuyên giải nhà Chúa Trịnh, Chúa "tìm giống cũ mà gieo hạt" và "thờ Phật ăn oản".
Thế lực của Nam Triều ngày một mạnh dần lên và năm 1593 nhà Lê đuổi được họ Mạc. Vua tôi nhà Lê rời Vạn Lại ca khúc khải hoàn trở về kinh đô. Phùng Khắc Khoan rời ngôi nhà ở Vạn Lại đi nốt đoạn đời còn lại trên đất Đông Đô. Ông đi sứ nhà Minh rồi được phong tước Mai lĩnh hầu, chức Tả thị lang Bộ lại, ông được thăng Thượng thư bộ công, Bộ hộ, tước Mai quận công.
Có một nhân vật ở Vạn Lại khá lâu, không thi tiến sĩ nhưng đó là người có tài, đã để lại dấu ấn trong lòng hậu thế. Đó là Nguyễn Bính. Nguyễn Bính có mặt ở Vạn Lại khá sớm. Vào thời Lê Trung Tông khi hành điện được dời đến đây ít lâu thì Nguyễn Bính cũng khăn gói tìm đường "phù Lê diệt Mạc".
Quê Nguyễn Bính (1525 - 1605) ở Đan Phượng (Hà Tây) nhưng hầu hết thời trai trẻ sống ở Vạn Lại, làm quan ở Bộ lễ. Ông được vua Lê, chúa Trịnh quý mến phong cho chức tước cao ở Tú Lâm cục, Hiển cung Đại phu Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ.
Đọc lại quốc sử, ta thấy Vạn Lại xưa được ghi khá đậm nét. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ít nhật hơn 30 lần nhăc đến Vạn Lại. Đó là nơi các vua lên ngôi, nơi nhà vua, nhà chúa bàn chính trị; nơi hội tụ của hào kiệt bốn phương; nơi tuyển chọn nhân tài. Người Xuân Châu có quyền tự hào nói rằng: Cả nước có 3 nơi thi tiến sĩ là Hà Nội, Huế và Vạn Lại. Ở Hà Nội có 82 bia tiến sĩ thì có 7 bia về các cuộc thi ở Vạn Lại. Cũng may nhiều bia bị thất lạc nhưng những bia ở Vạn Lại vẫn còn nguyên vẹn. Như vậy khi nói quê Vạn Lại đất địa linh nhân kiệt là có cơ sở. Trong tấm bia, bài ký đề tên những người : đỗ Chế Khoa, khoa Ất Sửu, niên hiệu chính trị thứ 8 (1565) có một câu đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn giá trị.
Kẻ sỹ sinh nhằm đời nay, tên họ được ghi trên bia đá, hân hạnh biết bao! Nếu quả giữ được lòng dạ trung nghĩa, tiết tháo đá vàng, người làm tướng thì dựng kỷ cương, sửa chế độ, để người đời khi nói đến là phải khen là ông Chu, ông Thiệu, kẻ làm quan tuỳ từng tài trao từng việc, khiến người đời khi cân nhắc phải cùng họ Đỗ, họ Phòng. Như thế thì người hiền người giỏi thấy đó là điều khuyến khích.
Thảng hoặc có kẻ xiểm nịnh, kiêu căng, gian tà bợ đỡ, để người bàn đến phải cho là học không chính đạo, chẳng qua như bọn Công Tôn Hoằng hay trái với đạo thường cũng như bọn Vương An Thạch, như thế kẻ xấu phải lấy đó là điều răn đe. Cho nên tấm bia này dựng lên, trong sự khen chê còn ngụ ý khuyên răn nữa.
Bia năm Đinh Sửu, niên hiệu Gia Thái năm thứ 5 (1577) còn ghi:
Vì thế mới có việc khắc đá để đề tên cho người đời sau kính cẩn noi gương, những người làm quan mới có thể khi tại chức mới giám nói, giám can, kính nhà vua mà bảo vệ dân chúng để người đời sau phải khen là bậc quân tử ngay thẳng, ngõ hầu mới không hổ với hai chữ khoa mục. Trái lại nếu chỉ mượn tiếng đỗ đạt để cầu ấm no, lấy con đường ấy làm lối tắt bước lên hoạn lộ, thì đời sau sẽ gọi là kẻ tiểu nhân gian tà, thành ra lại bôi xấu cho khoa mục.
Bởi thế nếu việc dựng nên tấm bia này không phải chỉ để thấy sự vẻ vang, mà còn là điều khuyên răn cho người đương thời nữa, há có thể không kính cẩn được sao?
Bia tiến sĩ năm Canh Thìn niên hiệu Quang Hưng 3 (1580) ghi:
Nhân tài là nguyên khí của Nhà nước, không thể không vun trồng cho rộng: Chế độ ta là di văn của Nhà nước, không thể không ghi chép cho tường. Nay Hoàng thượng ở nơi tôn vinh, giữ quyền chế tác, sửa sang chế độ, bồi dưỡng nhân tài. Dựng đá làm bia cho người đời sau lấy làm khuôn mẫu, đề tên khắc họ cho thiên hạ để ý quan chiêm. Trên là để phát huy lòng trung nghĩa của người trước, dưới là để cảm kích kẻ hào kiệt đương thời, mà trong đó vẫn ngụ ý khen thưởng khuyến miễn. Ở đây người ta sẽ thấy kế hoạch của nhà vua muốn phù trị đạo thánh, bồi đắp nền văn là rất đầy đủ. Kẻ sĩ được sinh trong đời thánh minh này, may mắn biết bao!
Hãy đen một khoa này mà lần lượt kể ra: Có người tham dự mưu mô, đã làm nên công dẹp loạn; có người chăm lo chính sự, đã giúp nên cảnh thái bình; có người làm việc đi sứ, đã giữ được mệnh vua vẹn tuyền; có người giữ được chức gián quan, làm cho lòng vua sửa đổi. Công danh sự nghiệp của những người ấy đại khái đã thấy rõ ràng. Gián hoặc có kẻ gian tà, là phường tham nhũng, thì những tiếng chê bai muôn thuở, tránh khỏi được sao?
Lịch sử cũng nhắc nhiều lần về Kinh thành Vạn Lại. Có lẽ chính xác nhất nên gọi là Hành điện Vạn Lại nơi các vua Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông đã thiết triều cùng văn võ bá quan bàn quốc sự. Các vua Trung Tông, Anh Tông, Thế Tông lên ngôi ở Vạn Lại, các vua Lê Trang Tông, Lê Trung Tông băng hà ở đây. Kinh thành Vạn Lại được xây dựng như thế nào, đến nay không còn tư liệu, di vật còn rất ít, đáng chú ý nhất là 2 đôi voi, ngựa đá được tạo bằng đá xanh mịn nguyên khối, đứng chầu song song đối diện nhau ngay nền điện cũ. Voi ở tư thế quỳ, ngựa ở tư thế đứng, được tạc theo phong cách tả thực, với những nét trạm khắc khá tinh vi. Cặp voi ngựa bên trái (theo hướng từ cổng vào) có kích thước lớn hơn. Voi dài 2,6m; cao 1,4 m; vòi cuốn trước ngực, Ngựa dài 1,4m (không kể phần đuôi bị gã, cao 0,95m tính từ mặt bệ, lưng rộng 0,4m trên có yên, bàn đạp, cổ trang trí 6 núm tròn (có lẽ là chuông hay lục lạc), đuôi to cụp xuống tận mặt bệ.
Cặp voi ngựa bên phải nhỏ hơn: Voi dài 2,2m; cao 1,1m; lưng, vòi cũng như cặp bên kia, ngựa có kích thước giống con ngựa đối diện, nhưng vòng lục lạc (chuông) có tới 10 chiếc. Từng cặp voi - ngựa đứng cách nhau 1,2m, cặp cách nhau 9m cũng là độ rộng của thềm điện. Đây có lẽ là hai cặp linh thú vào loại lớn nhất thời Lê Trung Hưng hiện còn ở Việt Nam.
Sách Vạn Lại xưa là nơi vua tôi nhà Lê Trung Hưng đã thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến chống nhà Mạc. Trong thời gian 256 năm nhà Lê Trung Hưng tồn tại thì đã có 46 năm đóng đô tại đất Vạn Lại - Yên Trường. Đây chính là nơi các đời vua Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông đã thiết triều cùng văn võ bá quan bàn quốc sự. Các vua Trung Tông, Anh Tông, Thế Tông lên ngôi ở Vạn Lại, các vua Lê Trang Tông, Lê Trung Tông băng hà ở đây. Đây chính là kinh đô thời kháng chiến, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc duy trì sự thống trị của một vương triều và một giai đoạn không thể bỏ qua trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây cũng là một trong 3 nơi có tổ chức thi tiến sĩ. Ở Hà Nội có 82 bia tiến sĩ thì đã có 7 bia về các cuộc thi ở Vạn Lại.
2. Hiện trạng:
- Diện tích di tích: 11.457m2 ; Đất khoanh vùng di tích UBND xã giao khoán thầu trồng cây cao su : 13.741 m2.
- Di tích Hành cung - Đền thờ nhà Lê (thế kỷ XVI) đã được Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin ký Quyết định số 137/VHQĐ, ngày 04 tháng 5 năm 1995 về việc bảo vệ di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.
- Hiện vật còn lại: 02 cặp voi, 02 cặp ngựa đá và nhiều gạch ngói còn sót lại. Một cặp giếng mặt rồng vẫn giữ nguyên hình dạng.
- Hiện tại nền tại vị trí voi đá, ngựa đá được láng xi măng, con em địa phương cung tiến lư hương đá, hàng rào dây thép gai bảo vệ phía trước, UBND xã làm đường bê tông rộng 5m, dài 200m từ tỉnh lộ 506 D vào di tích.
Ảnh: 02 cặp voi, 02 cặp ngựa đá và nhiều gạch ngói còn sót lại
Ảnh: giếng mắt rồng
II. Đàn tế Nam giao:
1. Lịch sử hình thành:
Ở nước ta có 5 triều đại phong kiến lập đàn tế Nam Giao gồm: nhà Lý có đàn Nam Giao ở kinh thành Thăng Long, nhà Hồ có Đàn Nam Giao ở Thanh Hóa xây dựng vào năm 1402, nhà Lê có Đàn Nam Giao ở Vạn Lại, xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hóa do vua Lê Thế Tông ( niên hiệu Quang Hưng thứ nhất 1578) xây dựng, nhà Tây Sơn có Đàn Nam Giao ở kinh đô Phú Xuân và đàn Nam Giao ở Kinh Thành Huế do Vương triều nhà Nguyễn xây dựng vào năm 1806.
Nhà Lê Trung Hưng cho dựng đàn Nam Giao được ở cửa lũy Vạn Lại, huyện Thụy Nguyên (nay là xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
2. Hiện trạng:
- Diện tích 3.000 m2 đất, do hộ gia đình đang sử dụng.
- Hiện tại còn nhiều gạch, ngói cũ lẫn trong đất và một giếng gỗ (giếng Ẩm). Gia đình lập bàn thờ để thờ cúng.
Đan Thanh Sưu tầm