Ngôi nhà cổ hơn trăm năm của gia đình bà Cao Thị Đức. Ảnh: Lê Dung
Phố Đầm buổi chiều tà. Những góc nhà nghiêng nghiêng đổ theo bóng nắng ngả về Tây. Nắng màu cánh gián nhuộm lên những cánh cửa gỗ đượm nét cổ xưa và hoài niệm...
Xã Xuân Thiên (Thọ Xuân) là tên gọi của mảnh đất nằm ven bờ sông Chu. Nhìn từ trên cao, Xuân Thiên như một hòn đảo nhỏ được sông nước bao bọc, vỗ về, với xóm làng trù phú, bờ bãi tốt tươi, phong cảnh hữu tình. Đặc biệt, nhờ lợi thế nhất cận thị, nhị cận giang mà xưa kia, Xuân Thiên từng là nơi giao thương sầm uất trên bến dưới thuyền và nổi tiếng xa gần với cái tên Phố Đầm.
Để hiểu sự ra đời của vùng đất, cũng là ý nghĩa của tên đất, tên làng, có lẽ phải ngược về quá khứ, khi sông Chu uốn mình qua nơi đây. Các cụ cao niên còn kể lại rằng, trải qua hàng trăm năm, sông Chu đã nhiều lần đổi dòng khi chảy vào địa phận Xuân Thiên. Rồi lại qua quá trình phù sa bồi lắng lâu dài, mà cuộc sống ven đôi bờ sông Chu ngày càng trở nên đông đúc, trù phú và cái tên Kẻ Đầm cũng từ đó mà thành. Đặc biệt, vào những năm đầu của thế kỷ XX, khi sông Chu là tuyến đường thủy quan trọng, thì Kẻ Đầm cũng trở thành điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa thuận lợi. Các mặt hàng lâm, thổ, hải sản và các đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo từ miền núi xuống, từ miền biển lên hay từ ngoài Bắc vào... được tập kết, buôn bán và chợ Đầm (thuộc thôn Hòa Bình, được mở khoảng năm 1838, đời Vua Minh Mạng) cũng ngày càng nổi tiếng. Đến năm 1852 (đời Vua Tự Đức), chợ được chuyển xuống Quảng Ích và năm 1905, làng Quảng Ích chính thức được thành lập.
Chợ Đầm họp mỗi tháng 6 phiên, người buôn kẻ bán tấp nập. Sức sống của vùng đất này đã thu hút người dân khắp các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Phú Thọ, Hà Tĩnh và cả người Thái Lan, Trung Quốc di cư đến làm ăn, rồi an cư lạc nghiệp. Những hàng quán được dựng lên san sát, với đủ các mặt hàng và nghề thủ công, từ nề, nhuộm, đan lát, may mặc đến sành, gốm, kim hoàn, thuốc bắc... Cũng từ đó mà làng chuyển dần thành phố. Phố Đầm có nhiều loại sản vật, nhiều đặc sản, nhưng có lẽ một đặc sản quý còn được gìn giữ cho đến ngày nay là những nếp nhà cổ, có lối kiến trúc độc đáo, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX. Nhà được xây 2 tầng, mái đỏ, tường gạch nung, trần lim. Những ngôi nhà với sân, vườn rộng rãi và ba, bốn thế hệ cùng sinh sống; những ngôi nhà thường mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông, có thể thỏa mãn nhu cầu sinh sống tương đối cao của chủ nhân nó thời bấy giờ.
...
Trải qua thời gian, chiến tranh, thiên tai và sự đổi thay cuộc sống, Phố Đầm đã không còn như xưa. Phố Đầm ngày nay dường như là hình ảnh phản chiếu ngược về quá khứ, hay là cách để những người dân nơi đây nhắc nhớ về một đời sống phố thị đã chìm khuất vào dĩ vãng.
Phố Đầm buổi chiều tà. Những góc nhà nghiêng nghiêng đổ theo bóng nắng ngả về Tây. Nắng màu cánh gián nhuộm lên những cánh cửa gỗ đậm nét cổ xưa và hoài niệm. Trong ngôi nhà cổ hơn trăm năm còn già hơn tuổi chủ nhân của nó, bà Cao Thị Đức (gần 90 tuổi) đang sống cùng người em gái. Ngôi nhà có vườn rộng hàng trăm m2 với lối kiến trúc đặc trưng của nhà Phố Đầm xưa, từng là nơi sinh sống của nhiều thế hệ, gồm ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt. Còn nay, dẫu bà Đức có đến 9 người con, nhưng vì mưu sinh, vì cuộc sống, khiến họ chẳng thể bấu víu lấy nếp nhà đã rong rêu thời gian. Vậy nên, ngôi nhà càng trở nên im ắng và có phần quạnh quẽ. Những mảng màu trên bức tường tróc vảy loang lổ; cầu thang gỗ vắng người lên xuống đã phủ lớp bụi mỏng; tầng hai thành nơi thờ cúng, còn mảnh vườn rộng mọc đủ những lùm thấp cây cao.
Một góc Phố Đầm ngày nay.
Phố Đầm hiện chỉ còn chừng hai chục nếp nhà cổ, phần nào gợi lại hình ảnh quá khứ vàng son của nhà cửa, hàng quán san sát, sầm uất. Có những nếp nhà từng được trưng dụng cho việc công, thì nay mặt tiền đã xuống cấp. Những đường ngang, ngõ tắt đã được trải một lớp xi măng phẳng phiu, rụng đầy lá vàng. Đi trên con đường ấy, ngắm nhìn những nếp nhà cũ mới đan xen ấy, có cảm giác như đời sống nơi Phố Đầm đang chảy cái nhịp chầm chậm của người già. Dưới mái hiên nơi nếp nhà cổ phủ đầy bóng cây, trên chiếc ghế mây nơi những cụ bà 80, 90 tuổi vẫn hằng ngày trông ra khoảng sân vắng lặng. Thế nhưng, ai bảo cuộc đời con người chỉ được đo bằng tuổi tác hay dấu vết thời gian trên mái tóc, màu da? Cuộc đời vốn có vô vàn những sự lựa chọn và theo đó, cũng đầy những sắc màu, vừa có u ám vừa có rực rỡ. Nhưng tựu chung, dẫu lựa chọn ra sao thì cuối cùng nó đều ít nhiều có dấu vết của những thăng trầm vùng đất, thăng trầm cuộc sống, thăng trầm đời người.
Rồi chợ Phố Đầm cũng đúng chất chợ quê, của hàng quán thưa thớt và những rau cà, mắm muối, thịt cá giản đơn, đủ cho sinh hoạt hàng ngày. Còn cảnh tấp nập bán mua trên bến dưới thuyền, hay những sản vật từ miền Bắc vào, từ nước Lào sang, từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra... thì đã chẳng còn mấy ai có thể hình dung nổi nữa. Thế nhưng, đó cũng là phiên chợ vừa đủ để người đầu chợ có thể chung câu chuyện với người cuối chợ. Chẳng phải lúc nào cũng là chuyện mớ rau con cá, hay giá cả lên xuống, buôn may bán đắt; mà còn là chuyện sinh tử đời người, chuyện dựng vợ gả chồng, chuyện làng trên xóm dưới... Đó là hơi thở rất đời thường, rất chân thực và vô cùng sống động, mà nếu một lần đến Phố Đầm, con người ta sẽ không khỏi nặng lòng. Đặc biệt, với những người được sinh ra từ làng, thì có lẽ kỷ niệm còn đọng lại trong sâu thẳm ký ức hẳn là tiếng chổi quét chợ buổi chiều tà; những đêm trăng cùng lũ bạn chơi trốn tìm trong góc chợ tối tăm; hay những sớm mai một mình ngồi nơi góc chợ trông mẹ bận bịu bán mua.
Cảnh sống và nhịp sống lặng lẽ và bình yên nơi Phố Đầm, có khả năng thức dậy trong con người những miền ký ức xa vắng và cả những tiếc nuối về một thời vang bóng. Do vậy, muốn làm sống dậy di sản Phố Đầm, với những nếp nhà cổ giàu giá trị và những lễ lạt đình đám phản ánh một đời sống vật chất, tinh thần rất cao; hay cả những nghề thủ công truyền thống thể hiện sự khéo léo và tài hoa của người thợ, thiết nghĩ, xã Xuân Thiên và huyện Thọ Xuân cần có định hướng và tầm nhìn lâu dài cho di sản. Từng có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng ông Ngô Doãn Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thiên, chúng tôi mới phần nào thấy được sự trăn trở cũng như mong mỏi của chính quyền địa phương. Theo đó, để khôi phục và bảo tồn toàn bộ khu vực Phố Đầm, địa phương đang xây dựng đề án Phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa nhà cổ Phố Đầm và các sản phẩm văn hóa truyền thống địa phương, giai đoạn 2020-2025.
Được biết, trong gần 20 nhà cổ còn lại, chỉ có 7 nhà là khá nguyên vẹn, số còn lại đã ít nhiều được cải tạo để đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Do vậy, địa phương đang có kế hoạch bảo tồn 7 nhà cổ này dựa theo kiến trúc cổ và sưu tầm các cổ vật gắn với đời sống sinh hoạt xưa kia; sau đó sẽ cho người dân thuê lại để bán các mặt hàng lưu niệm. Đồng thời, tiến hành quy hoạch khu vực công viên sinh thái (hồ bơi, thể thao, ăn uống, cây xanh...); con đường đi bộ và các quầy hàng lưu niệm; trồng hoa cải dọc bờ sông Chu và trồng hoa giấy trên các hiên nhà; khu để xe và khu vệ sinh. Cùng với đó là từng bước khôi phục các nghề thủ công truyền thống như kim hoàn, rèn, mộc, đan lát; đa dạng các loại đặc sản và ẩm thực như bánh lá, bánh đúc, nem, giò, nước tương... Ngoài ra, địa phương cũng sẽ chú trọng khôi phục các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như múa sư tử, hát bội, hát chèo, đua thuyền, bơi chải, cờ tướng, cờ người, bài điếm, các đội tế...
Đặc biệt, ngày 7-1-2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận Phố Đầm là điểm du lịch cấp tỉnh. Hy vọng rằng, việc trở thành điểm du lịch mới của tỉnh Thanh Hóa sẽ cổ vũ tinh thần và tiếp thêm động lực cho địa phương hiện thực hóa các mục tiêu kể trên. Qua đó, phần nào tìm lại dấu xưa một thời vang bóng cho địa danh nổi tiếng Phố Đầm.
Theo Báo Thanh Hóa