Phiên chợ nhỏ của những điều an làn

Ngay giữa TP Thanh Hóa, cứ đều đặn mỗi tháng/lần, một nhóm bạn trẻ nhiệt huyết, đam mê và có những thành tựu nhất định trên con đường theo đuổi sản xuất bền vững cùng nhau tổ chức phiên chợ mang tên “Chợ nhỏ an lành” (777 Thôi Hữu, TP Thanh Hóa). Trong không gian xanh mát, thoáng đãng, người bán và người mua kết nối, chia sẻ, trao nhau niềm tin gói ghém trong từng sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường, sức khỏe.

Phiên “Chợ nhỏ an lành” vừa bắt đầu, chị Lê Thị Lan (38 tuổi, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) cùng một vài người bạn đã nhiệt tình, háo hức đến tham gia, hòa mình vào các gian hàng. Trong khi người bạn đi cùng chị tỏ ra hào hứng với gian hàng bày bán các loại nếp nương, mật ong lên men... thì chị Lan lại hứng khởi “sà” ngay vào gian hàng bày đủ loại rau, củ, quả được người bán tự tin giới thiệu sản xuất theo hướng hữu cơ. Sau vài câu chuyện được chia sẻ trong nụ cười tươi rạng rỡ, thân thiện của cả “đôi bên”, chị Lan khệ nệ ôm túi giấy đựng đầy các sản phẩm vừa mua được. Chị Lan cho biết: “Qua giới thiệu của một vài người bạn, tôi biết đến phiên chợ này. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia nhưng cảm thấy rất thú vị, hấp dẫn từ không gian, cách bày trí gian hàng, sự thân thiện của người bán. Quan trọng nhất là mình cảm thấy yên tâm, tin tưởng về chất lượng sản phẩm được bày bán ở đây vì phần lớn là các sản phẩm tự nhiên hoặc được làm từ các phương pháp thủ công truyền thống, lại có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng”. Cũng giống như chị Lan, gia đình anh Lương Văn Việt lần đầu tiên tham gia “Chợ nhỏ an lành”. Anh Việt cho biết: “Qua thông tin được chia sẻ rộng rãi trên facebook, thấy sự kiện diễn ra vào chủ nhật nên chúng tôi quyết định ghé qua. Một mặt là cho bản thân và gia đình xả stress cuối tuần; mặt khác lại mua được nhiều mặt hàng ngon, đảm bảo an toàn”.

Hẳn trong ký ức của mỗi người con đất Việt chúng ta vẫn lưu lại hình ảnh đẹp về những buổi chợ phiên của đồng bào dân tộc thiểu số. Và nếu dụng công tìm hiểu, không chỉ riêng nước ta mà ở tận nước Mỹ xa xôi, hình ảnh chợ phiên cũng được thể hiện đậm nét trong mô hình Farmers Market. Đó là một mô hình thú vị và hấp dẫn nằm ngay trong lòng thủ đô Washington D.C hay thành phố nhộn nhịp New York, những chợ phiên của nông dân hoạt động sôi nổi, tấp nập kẻ bán người mua với đủ các mặt hàng nông sản. Người mua có thể nếm thử bất cứ sản phẩm nào được bày bán, trong khi đó, người bán thoải mái chia sẻ những câu chuyện thú vị trong sản xuất, buôn bán và cả cách thức chế biến món ăn ngon, bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe.

“Chợ nhỏ an lành” là phiên chợ được lấy cảm hứng và tham khảo từ những mô hình chợ phiên ấy. Về hình thức tổ chức, phiên chợ chỉ đơn giản “tập hợp” người bán và người mua. Tuy nhiên, đến chợ không chỉ với tâm thức của một vị khách mua hàng mà còn như được tìm lại nét đẹp văn hóa xưa – họp chợ phiên. Hoạt động này đặc biệt có ý nghĩa khi được tổ chức trong lòng thành phố - nơi guồng quay hối hả, xoay vần nhiều khi dễ dàng cuốn trôi, xóa nhòa đi nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Những đứa con sinh ra từ làng, nay ở giữa phố xá tấp nập quay quắt trong guồng mưu sinh, nhiều khi thèm cảm giác được thư thả, thong dong qua các gian hàng ở phiên chợ đủ đầy rau, củ, quả sạch, vài thức quà quê... nhưng cũng chẳng dễ dàng thực hiện được. Hơn hết, từ mô hình này góp phần tạo được sân chơi cho những bạn trẻ theo đuổi con đường sản xuất nông nghiệp bền vững; hình thành một “kênh” tiếp thị, quảng bá sản phẩm sinh động, hấp dẫn, hiệu quả, “người thực - việc thực - hàng thực”, tạo được sự kết nối, tin tưởng, thấu hiểu của khách hàng đối với sản phẩm.

Nếu các phiên chợ thông thường chú trọng yếu tố thương mại, đặt nặng vấn đề mưu sinh, lời lãi thì “Chợ nhỏ an lành” giống như một buổi “triển lãm” về những sản phẩm tâm huyết. Vẫn tấp nập diễn ra hoạt động mua - bán nhưng ẩn sâu trong từng sản phẩm là câu chuyện về niềm đam mê, nỗ lực theo đuổi sản xuất theo hướng bền vững, hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp để được khẳng định mình và cống hiến cho xã hội. Vì lẽ đó, chỉ khi người trực tiếp sản xuất làm chủ, đại diện thì mới được tham gia gian hàng ở “Chợ nhỏ an lành”. Đây được xem là một trong những tiêu chí quan trọng, độc đáo nhất của phiên chợ này. Anh Lê Minh Cương (28 tuổi, 321 Bà Triệu, TP Thanh Hóa) - một trong những bạn trẻ năng động, nhiệt tình nhất trong ban tổ chức trải lòng: “Chợ nhỏ an lành” mong muốn tạo ra một sân chơi, để những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, có sản phẩm (được đầu tư tỉ mỉ) đến và giới thiệu trực tiếp với khách hàng. Trên thị trường, tiếng nói của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp này rất yếu ớt. Vì vậy, tại phiên chợ, bằng trái tim chân thành, thông qua các sản phẩm đảm bảo chất lượng, uy tín, người sản xuất có thể kể câu chuyện về sự nỗ lực của mình với khách hàng. Biết đâu, chính từ phiên chợ nhỏ này sẽ là nguồn động lực thôi thúc và góp phần chắp cánh cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phát triển hơn trên con đường mình đã chọn”. Các sản phẩm được bày bán tại phiên chợ phải hướng đến lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng. Ban tổ chức phiên chợ sẽ thành lập nhóm đi thực tế quy trình sản xuất, thẩm định chất lượng tại một số cơ sở sản xuất đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, đề cao tinh thần “xanh - sạch - đẹp”, “Chợ nhỏ an lành” khuyến khích người mua hàng và các gian hàng hạn chế sử dụng túi ni-lông, xả rác ra môi trường từ trước, trong và sau khi diễn ra phiên chợ.

Phiên chợ nhỏ nhưng tinh thần, nỗ lực, quyết tâm thì không hề nhỏ. Quan trọng hơn tất thảy, khi đã thực sự hòa mình vào không khí chợ phiên, dạo bước qua từng gian hàng, “mục sở thị” sản phẩm và dụng tâm lắng nghe câu chuyện chất chứa phía sau mỗi sản phẩm ấy sẽ cảm nhận hết được tình cảm chân thành, sự tử tế, ý thức trách nhiệm mà mỗi cơ sở, chủ sản xuất mong muốn được truyền đạt, gửi gắm, lan tỏa đến đông đảo vị khách của mình. Tuy là chủ của những cơ sở sản xuất nhỏ và siêu nhỏ, tuổi đời còn rất trẻ nhưng thông điệp mà các bạn gửi gắm trong từng sản phẩm đã cho thấy thái độ làm việc, nỗ lực cống hiến hết mình. Họ là “những tấm chân tình bỏ phố về quê, quyết tâm lập nghiệp ở quê hương”, đúng như lời anh Cương chia sẻ.

Với giá trị thiết thực, sản phẩm đa dạng, phong phú nhưng không kém phần độc đáo, mang bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc và ý nghĩa sâu sắc, từ phiên chợ đầu tiên được tổ chức (tháng 10–2020) với 11 gian hàng, đến nay, chợ đã bước sang phiên thứ 4 với 33 gian hàng đăng ký tham gia. Các đơn vị sản xuất không chỉ giới hạn trong tỉnh mà còn ở một số tỉnh lân cận như: Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh... Được biết, phiên chợ xuất hiện lần đầu tiên ở Thanh Hóa nhưng đã nhanh chóng thu hút đông đảo các đơn vị sản xuất và khách hàng tham gia và có sức lan tỏa đến nhiều địa phương. Hiện tại, một số thành viên trong nhóm sản xuất bền vững ở Nghệ An, Hà Nội đã có ý tưởng tổ chức mô hình “Chợ nhỏ an lành” tại các địa phương nói trên và mời các nhà sản xuất từ nhiều nơi khác đến. Anh Cương cho biết: “Để mô hình này vừa mang lại giá trị kinh tế vừa trở thành địa chỉ văn hóa, món ăn tinh thần cho cộng đồng xã hội, thời gian tới, nếu tình hình dịch COVID-19 ổn định, ban tổ chức sẽ cố gắng họp thêm một phiên vào dịp giáp tết, hứa hẹn sẽ có đa dạng, phong phú thêm nhiều sản phẩm, nhiều trải nghiệm thú vị. Đồng thời, phiên chợ sẽ ngày càng hướng tới sự chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn cho người tham gia”.

Trích nguồn: baothanhhoa.vn