Tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), các làng nghề đã và đang đóng góp tích cực tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, đồng thời là nguồn lực quan trọng đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thúc đẩy công cuộc xây dựng NTM của toàn huyện.
Người dân xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân làm bánh gai Tứ Trụ phục vụ thị trường những ngày Tết Đinh Dậu năm 2017 |
Hiện nay, Thọ Xuân có 11 làng nghề, đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, ngoài việc thu hút các lao động thường xuyên, công việc tại làng nghề còn giải quyết khi nhàn rỗi và nhiều lứa tuổi có thể tham gia. Sự đan xen giữa các làng nghề truyền thống lâu đời với các nghề mới xuất hiện đã tác động qua lại, tạo thành những sản phẩm hàng hóa nổi tiếng như làng bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên; làng nghề nem nướng thị trấn huyện, xã Xuân Bái; nghề may nón lá xã Thọ Lộc; nghề đan rổ rá xã Bắc Lương; nghề bánh lá xã Xuân Lập... Điển hình tại gia đình ông Lưu Đình Dũng, chủ một xưởng mộc lâu năm ở thôn Tứ Trụ, xã Thọ Diên, tạo việc làm cho 5 đến 8 lao động với mức thu nhập 4,5 đến 6 triệu đồng/lao động/tháng. Trong xã doanh thu của nghề mộc mỗi năm khoảng 15 đến 17 tỷ đồng.
Tiếp nối nghề truyền thống làm bánh gai của gia đình anh Lê Hữu Lâm, chủ cơ sở sản xuất bánh gai Lâm Thắm, thôn 6, xã Thọ Diên hiện mỗi năm bình quân cung cấp cho thị trường khoảng trên 30 vạn bánh gai, thường xuyên duy trì 8 lao động đã được anh đào tạo thuần thục, lành nghề, các lao động ở đây đều có thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Làng nghề bánh gai Tứ Trụ hiện có 49 hộ đang thường xuyên sản xuất và 86 hộ làm theo đơn đặt hàng, có khoảng 1.200 lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Tại xã Thọ Diên, làng nghề bánh gai mỗi năm cho doanh thu khoảng trên 80 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng thu nhập của địa phương. Nhằm phát triển hơn nữa và chủ động nguồn nguyên liệu, xã đang có quy hoạch một số diện tích trồng lá gai, trồng chuối, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các hộ đầu tư trang thiết bị hiện đại đưa vào sản xuất.
Để làng nghề tiếp tục phát huy tiềm năng, giá trị, huyện Thọ Xuân đã có định hướng lâu dài, đưa làng nghề vào kế hoách phát triển kinh tế của huyện, thành lập ban chỉ đạo để phục hồi nghề truyền thống, phát triển và du nhập nghề mới, quy hoạch vùng nguyên liệu, thành lập các hiệp hội làng nghề và hỗ trợ các hộ trong làng nghề xây dựng thương hiệu... Bảo tồn và phát triển làng nghề phù hợp với sự phát triển của xã hội nhưng vẫn giữ được bản sắc đặc trưng, truyền thống. Chính quyền cơ sở và người dân trong mỗi làng nghề coi việc bảo tồn và phát triển làng nghề như bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Với việc xác định đúng hướng để phát triển kinh tế - xã hội bằng khôi phục, đẩy mạnh các làng nghề truyền thống trong những năm qua. Tính đến nay, trên địa bàn huyện đạt 616 tiêu chí, bình quân 16,65 tiêu chí/xã, tăng 27 tiêu chí so với đầu năm; trong đó, có 22 xã đạt 19/19 tiêu chí chiếm 59,5%; 7 xã đạt từ 14 đến 16 tiêu chí chiếm 18,9%; 8 xã đạt 9 đến 13 tiêu chí chiếm 21,6%. Đối với các xã đăng ký hoàn thành NTM giai đoạn 2018-2019, huyện yêu cầu phải chủ động xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, đây cũng là cơ sở, mục tiêu chung để xây dựng huyện Thọ Xuân đạt chuẩn NTM vào trước 2020./.
Doãn Xuân