Top 10 nghề truyền thống lâu đời nhất của tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa là một tỉnh giao thoa giữa hai miền Bắc và Trung của nước ta, nơi có nhiều làng nghề nổi tiếng lâu đời với những sản phẩm chất lượng được xuất khẩu ra nhiều nước trong khu vực. Làng nghề truyền thống ở Thanh Hoá là một trong những đặc trưng gắn với đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư nên có sức hấp dẫn du khách. Thanh Hóa có rất nhiều làng nghề truyền thống hấp dẫn đặc trưng. Hãy cùng Toplist tìm hiểu về những nghề truyền thống xứ Thanh qua bài viết sau đây nhé.

Dệt sợi gai

Dệt sợi gai là nghề đặc trưng của người Thổ ở Thanh Hóa, một nghề lâu đời chứ đựng bản sắc, tinh hoa văn hóa xứ Thanh. Sợi gai được dệt từ vỏ cây gai, một loại cây thuộc họ tầm ma dưới bàn tay khéo léo của những Mê, những Ún trong bản làng nghèo khó. Người Thổ ở đây có những bí quyết dệt sợi gai rất riêng khiến cho sản phẩm của họ cực kì tinh xảo và bắt mắt. Công cụ dệt của người Thổ vẫn còn khá thô sơ, bàn làm bằng tre, khung cửi dệt hay gọi là khung con cú, đòn ngồi là tấm ghế băng, trục cuốn vải, khuôn dệt dài được vót nhẵn từ những nan tre già để khi dệt mà dận chân đòn thì tạo được khe hở cho con thoi chạy qua, con thoi làm bằng gỗ nghiến hoặc bằng sừng, thanh văng được làm bằng cột tre già để giữ cho mặt vải luôn được mịn và đều sợi.

Dệt sợi gai là nghề truyền thống chứa đựng trong đó tinh hoa văn hóa xứ Thanh. Nếu trước giờ phụ nữ thường ưa chuộng các sản phẩm tơ lụa thì khi được tận tay sờ vào các tấm vải sợi gai mềm, mịn cũng sẽ rất hài lòng. Từ vỏ cây gai và công cụ dệt thô sơ từ tre, người Thổ biết cách dệt nên các sản phẩm cực kì tinh xảo và bắt mắt thích hợp may váy, làm khăn đội đầu, thắt lưng, vỏ chăn...

Người Thổ và công đoạn dệt sợi

Sợi gai dùng dệt đồ của người Thổ

Mỹ nghệ sơn mài Tiên Sơn

Mỹ nghệ Tiên Sơn là một trong những làng nghề đưa danh tiếng của xứ Thanh đi khắp trong và ngoài nước, các sản phẩm mỹ nghệ ở đây ngày càng nâng cao về chất lượng, mẫu mã, giá thành phải chăng nên đã trở thành món quà lưu niệm cho khách thập phương khi có cơ hội ghé thăm vùng đất này. Sản phẩm mỹ nghệ Tiên Sơn độc đáo bởi hoàn toàn được làm thủ công từ khâu chế tạo khuôn mẫu, tạo các đường nét, hoa văn đến khâu hoàn thiện sản phẩm. Các mặt hàng chủ yếu của làng nghề này là sản phẩm bình lọ cắm hoa trang trí, bình lọ nghệ thuật, sản phẩm âu đĩa trang trí, âu đĩa nghệ thuật, sản phẩm hình khối trang trí, sản phẩm bục bệ trang trí, nghệ thuật...

Mỹ nghệ Tiên Sơn là một trong những nghề thủ công truyền thống nổi tiếng ở Thanh Hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế và phát triển du lịch của vùng. Qua bàn tay khéo léo, tâm hồn bay bổng đầy chất nghệ thuật của người thợ thủ công xứ Thanh những sản phẩm mỹ nghệ vô cùng tinh tế ra đời. Những đường nét hoa văn trên các sản phẩm mỹ nghệ Tiên Sơn đều đạt độ tỉ mỉ, chi tiết yêu cầu kỹ thuật cao theo từng công đoạn. Hiện nay, các sản phẩm mỹ nghệ Tiên Sơn đã có mặt ở rộng khắp các thị trường tiêu thụ trong nước và được một số thị trường khó tính chấp nhận như Nhật Bản, Úc, Mỹ, EU...

Các sản phẩm bày bán ở hàng lưu niệm

Các sản phẩm bày bán ở hàng lưu niệm

Thổ cẩm làng Ngọc

Làng Ngọc - Cẩm Thủy là một địa danh du lịch nổi tiếng của Thanh Hóa với suối cá thần được nhiều người biết đến như một nét đẹp kì diệu của tạo hóa. Ngoài ra làng Ngọc còn nổi tiếng bởi nghề dệt thổ cẩm với những sản phẩm mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc Mường. Trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm chủ yếu được sử dụng trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái đi lấy chồng. Hiện nay, sản phẩm này đã được đầu tư phát triển và trở thành món quà lưu niệm được khách du lịch yêu thích khi có dịp ghé thăm suối cá thần.

Thổ cẩm làng Ngọc từ lâu đã có tiếng thơm được nhiều người biết đến. Ghé qua vùng đất có nghề truyền thống này du khách sẽ tận mắt chứng kiến sự khéo léo của người phụ nữ Mường qua các công đoạn kéo sợi, dệt vải, nhuộm màu. Những tấm vải thổ cẩm có hoa văn, màu sắc rất bắt mắt, rực rỡ như tràn đầy sức sống nơi núi rừng. Du khách đến đây có thể mua túi dệt từ vải thổ cẩm, quần áo, khăn, mũ về làm quà cho người thân.

Công đoạn dệt vải của người dân tộc

Sản phẩm thổ cẩm

Nạo ngao Sầm Sơn

Thiên nhiên ban tặng cho Sầm Sơn một bãi biển tuyệt đẹp lại vừa ẩn chứa những tài nguyên biển phong phú. Ngao biển là một loại hải sản rất sẵn ở vùng biển này, cũng chính bởi vậy nghề nạo ngao biển của Sầm Sơn trở nên phát triển. Khi hừng đông còn chưa sáng rõ trên các bãi biển Sầm Sơn, đặc biệt là bãi bồi Lạch Hới đã thấy thấp thoáng bóng dáng ngư dân đi nạo ngao. Vật dụng để khai thác những ngư cụ đơn giản như một cái nạo có dây đeo được gắn với túi lưới để đựng ngao, hoặc là một đoạn sào tre hình chữ Y có gắn với một lưới vợt, họ ghì cái nạo xuống bãi cát và kéo cứ thế theo dọc bờ biển gặp con ngao, con sò thì sợi thép căng ngang phía dưới hai càng chữ Y phát ra tiếng động và mắc lại ở đó.

Các nghề đánh bắt thủ công ra đời rất nhiều trong đó có nghề nạo ngao truyền thống này. Thịt ngao là một sản phẩm dễ chế biến lại rất có lợi cho sức khỏe con người, ngao có công năng giải độc, tiêu khát, tư âm, lợi thủy, hóa đờm, chủ trị chứng ho nhiều đờm, loét dạ dày hành tá tràng, băng huyết... Chính vì vậy nghề nạo ngao rất phát triển ở vùng biển Sầm Sơn đặc biệt là bãi bồi cửa Lạch Hới.

Người dân đi nạo ngao

Ngao bị mắc lại nơi đáy dụng cụ nạo

Nghề làm hương làng Đông Khê

Làng Đông Khê thuộc xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa lâu nay vẫn nổi tiếng bởi có nghề làm hương truyền thống. Hương Đông Khê được nhiều người biết đến, tiêu thụ cả trong và ngoài tỉnh. Điểm đặc biệt của làng nghề này là Đông Khê chỉ sản xuất hương trầm và chỉ làm hương thắp trong dịp Tết cổ truyền để thờ cúng ông bà tổ tiên. Bởi vậy mà mùi hương Đông Khê giống như mùi của Tết, của đoàn viên xum vầy. Hương Đông Khê được làm từ tăm hương (tre nứa), nhựa hương (nhựa cây trám) và thành phần phụ gia (than của các loại gỗ nhẹ như than cây xoan, cây muồng dại, than của tàu lá chuối khô, rễ của cây hương bài, hoa hòe, quế chi, trầm hương), mỗi nguyên liệu đều được lựa chọn tỉ mỉ, cẩn thận để đảm bảo hương có mùi thơm dịu nhẹ.

Về thăm làng hương Đông Khê du khách có thể bắt gặp hình ảnh những bó hương được phơi ở hầu hết các sân nhà hộ dân trong làng, mùi nhang khói phảng phất trong gió càng vào sâu trong làng mùi thơm càng đậm hơn. Cứ vào dịp cuối năm làng hương lại trở nên tất bật để có được những bó hương thơm ngát dâng lên bàn thờ tổ tiên vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Nghề làm hương truyền thống phải trải qua rất nhiều công đoạn vất vả, giá thành lại không được bao nhiêu. Để gắn bó và duy trì cần cả một tấm lòng yêu quê hương, muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân làng Đông Khê. Qua bàn tay khéo léo khi được kết hợp với những phương pháp gia truyền những nén hương được ra đời. Các sản phẩm của làng hương Đông Khê đều có độ bền, mùi thơm đặc trưng rất thanh khiết dễ chịu.

Hương trầm Đông Khê trong công đoạn phơi nắng

Công đoạn phơi hương ở làng Đông Khê

Nem, giò, chả Đông Hương

Nghề làm nem, giò chả, đặc biệt là nem chua là nghề truyền thống lâu đời, niềm tự hào của người dân xứ Thanh. Nem, giò, chả của Thanh Hóa đặc biệt bởi những công thức bí truyền của người dân nơi đây kết hợp cùng với những nguyên liệu được chọn lựa kĩ càng và một bàn tay khéo léo. Nem Đông Hương được bày bán quanh năm như một thức quà không thể thiếu mỗi khi bạn có dịp ghé thăm Thanh Hóa trong khi giò lụa chỉ được bày bán vào những dịp Tết làm theo những đơn hàng của thực khách, giò Đông Hương như một món quà mà người ta biếu nhau trong những ngày năm hết Tết đến.

Ngoài ra, Đông Hương còn nổi tiếng bởi món chả rán thơm bùi, béo ngậy, từng miếng chả vàng ruộm ăn chung với một chút rau sống, nước chấm mới thấy hết được hương vị của xứ Thanh. Hiện nay, nem, giò, chả Đông Hương có mặt ở nhiều nơi trên khắp cả nước với giá thành phải chăng, nem chỉ khoảng 35.000 đồng đến 50.000 đồng cho 10 chiếc. Còn giò, chả giao động từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng cho 1kg.

Giò lụa

Nem chua

Nước mắm Do Xuyên

Do Xuyên là một làng nhỏ thuộc xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, từ lâu đã nổi tiếng bởi nghề làm nước mắm truyền thống. Thanh Hóa được thiên nhiên ưu ái nên có bờ biển dài giàu cá tôm, điều này khiến cho nghề làm nước mắm rất phát triển. Mắm Do Xuyên được chế biến từ cá cơm tươi ngon đánh bắt vào tháng ba âm lịch và không rửa bằng nước ngọt sẽ làm cá mất ngon, để lâu dễ bị hỏng. Đây cũng là một trong những bí quyết riêng của làng. Muối phải lấy từ vùng biển Tĩnh Gia, Thanh Hóa, hạt muối trắng tinh, to, già, được nắng, không bị nước mưa. Những chum vại để đựng mắm phải làm từ gỗ bằng lăng hoặc gỗ mít thì mắm mới thơm ngon đúng điệu.

Cá muối vào cuối tháng 3 âm đến gần Tết mới bắt đầu lọc mắm để phục vụ Tết và năm sau. Hiện nay, làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống Do Xuyên - Ba Làng, cá được ủ quanh năm song có hai mùa ủ chính là tháng 6, tháng 7 (vụ nam) và tháng 11, tháng 12 (vụ bắc). Đây là thời điểm mà lượng thủy hải sản khai thác được nhiều, lại được thời tiết ủng hộ nên đặc biệt thuận lợi cho việc ủ mẻ mới. Mắm Do Xuyên trong, sánh như mật ong, mùi thơm đặc trưng, chính bởi vậy nó đang dần chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh và các vùng lân cận.

Thùng mắm

Những chum mắm Do Xuyên

Chiếu cói Nga Sơn

Chiếu cói Nga Sơn là một loại chiếu cói được dệt tại huyện Nga Sơn, một huyện ven biển của tỉnh Thanh Hoá. Huyện Nga Sơn có 27 xã và 1 thị trấn là Nga Sơn. Thập niên 1980 chỉ có các xã như Nga Thuỷ, Nga Tân, Nga Thanh, Nga Liên, Nga Tiến là làm nghề trồng cói và dệt chiếu. Nhưng ngày nay rất nhiều nơi trong huyện này trồng cói như xã Ba Đình, Nga Thạch... cũng trồng nhiều vì lợi ích kinh tế của nó mang lại. Ngoài dệt chiếu, cói còn được dùng làm hàng thủ công mĩ nghệ (nghề này phát triển chủ yếu ở Kim Sơn, Ninh Bình). Nguồn xuất chủ yếu là sang Liên Xô cũ, và bán nội địa. Ngày nay cói được xuất chủ yếu sang Trung Quốc.

Chiếu cói Nga Sơn từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi bật của xứ Thanh. Chiếu cói Nga Sơn được nhiều người yêu thích bởi nó hoàn toàn là sản phẩm dệt thủ công, sợi chiếu nhỏ, mềm và óng mượt. Chiếu rất phong phú về kiểu dáng cũng như màu sắc trang trí lại gọn nhẹ và giá thành rất hợp lí. Hiện nay, chiếu cói Nga Sơn có mặt khắp nơi trong toàn quốc và được ưa chuộng ở một số quốc gia lân cận, giá trung bình của một chiếc chiếu Nga Sơn chất lượng tốt là 150.000 đồng đến 200.000 đồng.

Người dân thu hoạch cói

Mổ công đoạn làm chiếu cói Nga Sơn

Nghề chạm khắc đá làng Nhồi

Theo sử sách ghi lại, nghề chạm khắc đá làng Nhồi đã có từ thời Lý và lưu truyền qua nhiều biến cố lịch sử để đến tận bây giờ nó vẫn phát triển và trở thành thương hiệu của xứ Thanh. Những nghệ nhân làng Nhồi đã góp phần điểm tô cho kinh thành Tây Đô, điện miếu Lam Kinh, Kính Thiên (kinh thành Thăng Long), đền thờ An Dương Vương (Cổ Loa)... Có thể nói, nghề khắc đá làng Nhồi đã góp phần tạo nên bộ mặt dân tộc qua nhiều thời đại.

Đến với làng nghề, du khách như đang lạc vào một thế giới khác lạ, kỳ thú và sinh động. Lặng ngắm những pho tượng, phù điêu hoa lá chim muông, các mẫu vật bằng đá hết sức tinh xảo được trưng bày trong khung cảnh ấn tượng, lòng thầm cảm phục những người thợ, những nghệ nhân với đôi bàn tay tài hoa, trí sáng tạo đã “thổi hồn” vào đá.

Một sản phẩm công phu của các nghệ nhân làng Nhồi

Tác phẩm bằng đá của nghệ nhân làng Nhồi

Gốm làng Vồm

Làng Vồm thuộc xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa, gọi là gốm làng Vồm nhưng thực chất những sản phẩm gốm được sản xuất ở làng Chành kế bên nhưng tiêu thụ tại chợ Vồm. Đây là một sản phẩm lâu đời của vùng đất cổ Doanh Xá. Gốm làng Vồm nổi tiếng là sản phẩm gốm nhẹ lửa, bằng chất liệu đất sét trắng mềm, dẻo, ít pha tạp, các sản phẩm cũng rất đa dạng như nồi, ấm, siêu, chõ đồ có chất lượng tốt, hình thức đẹp, giá trị sử dụng cao, từng chiều lòng được nhiều khách hàng khó tính ở các tỉnh ngoài như Hà Nam, Nam Định, Hà Nội... Tuy hiện nay người ta thường sử dụng các loại nồi, ấm từ inox, thép, gang... nhưng sản phẩm gốm làng Vồm vẫn chiếm được vị thế riêng của mình trong lòng người tiêu dùng.

Để có những sản phẩm bền đẹp, ngoài ưu thế về chất đất, nghệ nhân và những người thợ giỏi nơi đây còn phải công phu từ khâu khai thác nguyên liệu, chuẩn bị dụng cụ đến kỹ thuật trong các cung đoạn luyện đất, chuốt trên bàn xoay và nung gốm... Nứa được khai thác từ các huyện miền núi xứ Thanh là chất liệu đốt duy nhất được các nghệ nhân nơi đây lựa chọn. Dày dặn trong kinh nghiệm, tinh xảo trong kỹ thuật, vốn sống trải nghiệm và đặc biệt là bí quyết “cha truyền con nối” đã tạo thương hiệu cho sản phẩm gốm làng Vồm.

Cổng làng Vồm và một sản phẩm gốm vàng Vồm

Sản phẩm gốm làng Vồm

Ngoài những nghề kể trên, Thanh Hóa còn nhiều nghề truyền thống như: mây tre đan Hoằng Thịnh, bánh tráng làng Chòm, dệt nhiễu Hồng Đô... Tất cả đã và đang giúp cải thiện đời sống kinh tế văn hóa của người dân nơi đây.

Trích nguồn: https://toplist.vn/