Nghề chạm khắc đá núi Nhồi - xứ Thanh

Đá cùng người xứ Thanh viết nên những trang sử đầu tiên của mình.

Có một ngày! Đá vô tri chuyển mình tỉnh giấc! Để hoá thân thành bia đá thì thầm kể chuyện! Để dáng đá uốn lượn qua những thân rồng! Để đem sức đá dựng xây bao công trình kiến trúc hay làm voi đá, ngựa đá canh giấc ngủ cho các vị quân vương... Và đó là ngày mà đá cùng người xứ Thanh viết nên những trang sử đầu tiên của mình.

Có một ngày! Đá vô tri chuyển mình tỉnh giấc! Để hoá thân thành bia đá thì thầm kể chuyện! Để dáng đá uốn lượn qua những thân rồng! Để đem sức đá dựng xây bao công trình kiến trúc hay làm voi đá, ngựa đá canh giấc ngủ cho các vị quân vương... Và đó là ngày mà đá cùng người xứ Thanh viết nên những trang sử đầu tiên của mình.

Theo ghi chép và những hiện vật còn lại đến nay, thì nghề chạm khắc đá ở núi Nhồi có từ thời Nhà Lý. Làng Nhồi của xứ Thanh là nơi có mỏ đá nổi tiếng từ thời xa xưa, sử sách cổ còn ghi lại rằng “Sắc đá óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt; đẽo thành khánh khi đánh lên thì tiếng ngân muôn dặm, dùng làm bia văn chương để lại thì còn mãi muôn đời” để rồi theo bước chân của những người thợ tài hoa đá và người làng Nhồi đã có mặt ở mọi miền đất nước, dựng xây lên biết bao công trình và để lại các tác phẩm nghệ thuật còn mãi với thời gian.

Đến với làng nghề, du khách như đang lạc vào một thế giới khác lạ, kỳ thú và sinh động. Lặng ngắm những pho tượng, phù điêu hoa lá chim muông, các mẫu vật bằng đá hết sức tinh xảo được trưng bày trong khung cảnh ấn tượng, lòng thầm cảm phục những người thợ, những nghệ nhân với đôi bàn tay tài hoa, trí sáng tạo đã "thổi hồn" vào đá, để rồi chợt nghĩ - nếu có trên tay chiếc đũa thần thì bầy ngựa kia chắc sẽ hí vang, hoa sẽ toả hương khoe sắc và đàn chim sẽ tung cánh bay xa.

Ca dao làng Nhồi còn ghi “Mồng một anh hát ở đây/ Mồng hai anh lại đi xây thành Hồ...” như gợi lại cho ta nhớ về những kỳ tích mà dân làng nghề đã đóng góp cho Kinh thành Tây Đô kỳ vĩ. Các tác phẩm điêu khắc ở khu điện miếu Lam Kinh đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ như các tượng rồng, tượng người, tượng thú... những tác phẩm độc đáo này đều được bàn tay điêu luyện của thợ đá làng Nhồi chạm khắc đã góp phần quan trọng hình thành nên dòng chảy và đặc điểm qua mỗi thời kỳ của nghệ thuật điêu khắc đá truyền thống Việt Nam. Trong số các di sản văn hóa trên đất Thăng Long, sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc tới ở đây sự hiện diện của nguồn đá quý, các nghệ nhân chạm khắc đá dân gian xứ Thanh trong các tư liệu, thư tịch cổ và hình bóng, dấu tích của họ trên đất Thăng Long một nghìn năm tuổi, đặc biệt là Rồng đá ở điện Kính Thiên (kinh thành Thăng Long) và đền thờ An Dương Vương (Cổ Loa)... Trên bình diện văn hóa - nghệ thuật, chạm khắc đá dân gian truyền thống xứ Thanh đem lại sự đa dạng về các nghề thủ công và diện mạo văn hóa dân gian truyền thống trên đất Cửu Chân xưa.

Vững bền và thuỷ chung như đá, sắc lam ngọc của đá núi Nhồi cùng những bàn tay tài hoa, trí sáng tạo phi thường của các nghệ nhân chạm khắc đá làng Nhồi ngày càng được khẳng định. Dẫu chưa một lần đến, nhưng mỗi khi chiêm ngưỡng một công trình hay tác phẩm nghệ thuật bằng đá thì có lẽ du khách sẽ nhận ra trong đó hình bóng của một vùng đất, một làng nghề và những người thợ đá xứ Thanh.

Trích nguồn: http://kecho.vn/