Ngành công nghiệp không khói: Cùng xứ Thanh cất cánh

 Du lịch ngày nay được ví như một “đại sứ thiện chí” của hòa bình, hội nhập và phát triển. Đồng thời, với những đóng góp ngày càng hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế, an sinh xã hội, giao lưu văn hóa... du lịch đang cho thấy vai trò và vị thế mới, trên bảng xếp hạng các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam nói chung và các địa phương giàu tiềm năng nói riêng, trong đó có Thanh Hóa.

Quần thể nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp FLC – điểm nhấn kiến trúc của đô thị du lịch biển Sầm Sơn.

Từ đầu tàu Sầm Sơn...

Từ lâu, Sầm Sơn đã được ví như một tuyệt tác do tạo hóa đặt bút, mà họa nên dáng dấp núi non biển cả. Vụng biển ấy luôn đẹp vẻ đẹp rạng rỡ của nắng, của gió chảy tràn trên nền cát trắng và nhuộm sáng cả một dải bờ biển. Lịch sử Sầm Sơn, có thể được đo bằng chiều dài ngàn năm bươn bả bám biển, giữ làng của những cư dân đầu tiên; hay ngót trăm năm, kể từ khi người Pháp cho xây dựng nơi này thành điểm nghỉ dưỡng lý tưởng bậc nhất Đông Dương; hay là vài chục năm, Sầm Sơn mang dáng dấp của một đô thị du lịch biển ngày càng hấp dẫn; hay chỉ mới vài năm, khi Sầm Sơn chính thức được “nâng hạng” trở thành thành phố du lịch trẻ năng động và tương lai đầy hứa hẹn.

Chìa khóa đổi mới và thành công của Sầm Sơn, trước hết thể hiện ở việc mở rộng không gian đô thị và đầu tư nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch. Bởi chưa đầy dăm năm trở lại đây, Sầm Sơn đang trở thành đô thị có sức hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược. Hàng chục nghìn tỷ đồng đã đổ xuống cho sự hiện hữu của một loạt các dự án hạ tầng giao thông, dự án kinh doanh du lịch như khu nghỉ dưỡng, resort, khách sạn, nhà hàng... Nhờ định hướng và cách tiếp cận phù hợp, đô thị du lịch trọng điểm Sầm Sơn đã và đang khẳng định được vai trò đầu tàu của du lịch Thanh Hóa. Đặc biệt, các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch tăng nhanh qua từng năm. Tính riêng năm 2019, Sầm Sơn đón được 4.950.000 lượt khách (chiếm trên 51% tổng lượng khách đến Thanh Hóa), với tổng thu đạt 4.600 tỷ đồng (chiếm gần 32% tổng thu ngành du lịch). Đây là cơ sở để từng bước đưa Sầm Sơn tiệm cận dần mục tiêu trở thành đô thị du lịch biển có bản sắc, thương hiệu, hiện đại, đẳng cấp quốc gia và quốc tế.

“Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, đã nhấn mạnh đến việc ưu tiên phát triển dòng sản phẩm chính là du lịch nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển và hệ sinh thái biển. Đây cũng chính là con đường phát triển của Sầm Sơn, được định hình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Trong đó, trọng tâm là đa dạng hóa các sản phẩm, như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch MICE (hội nghị, triển lãm, sự kiện), du lịch thể thao, du lịch dưỡng bệnh, du lịch du thuyền, du lịch làm đẹp... nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiều phân khúc khách hàng. Đồng thời, tạo nền tảng cho thành phố du lịch trẻ Sầm Sơn từng bước khẳng định thương hiệu, vị thế là “vùng động lực” của du lịch Thanh Hóa và trở thành là 1 trong 12 đô thị du lịch trọng điểm của Việt Nam. Cũng từ Sầm Sơn, du lịch Thanh Hóa đã có sự khởi sắc, với các chỉ tiêu tăng trưởng vượt bậc và vai trò quan trọng của ngành du lịch được khẳng định ngày càng vững chắc trong cơ cấu ngành kinh tế.

... đến khẳng định vị thế

Du lịch không chỉ là kinh tế, du lịch còn là văn hóa, với khả năng tạo ra sức mạnh mềm để quảng bá hình ảnh và nâng tầm ảnh hưởng của một quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đối với Việt Nam, quốc gia giàu tiềm năng phát triển du lịch, Đảng ta đã sớm xác định “du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao”. Đồng thời, “phát triển nhanh du lịch, đưa nước ta trở thành trung tâm du lịch, thương mại – dịch vụ có tầm cỡ trong khu vực”. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương xây dựng chiến lược phát triển du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế, cũng như định vị lại vị trí ngành du lịch trong bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội.

Thanh Hóa có một dải bờ biển dài 102 km, với nhiều bãi tắm đẹp đã và đang được đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Cùng với đầu tàu Sầm Sơn là các khu, điểm du lịch nghỉ dưỡng biển đang dần khẳng định được tên tuổi như Hải Tiến, Nghi Sơn – Bãi Đông, Hải Hòa, Quảng Lợi... Cùng với đó, Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với quá trình hình thành và phát triển của lịch sử, văn hóa vùng đất. Đồng thời, có hàng nghìn di sản văn hóa phi vật thể là các lễ hội, tín ngưỡng, nghệ thuật diễn xướng dân gian, văn học nghệ thuật... được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngoài ra, Thanh Hóa còn có các khu bảo tồn thiên nhiên, các vườn quốc gia còn lưu giữ được một hệ động thực vật đa dạng, quý hiếm... Có thể nói, xét trên cả hai bình diện là thiên nhiên và văn hóa, Thanh Hóa hội tụ đầy đủ các điều kiện “cần” cho du lịch phát triển.

Đặc biệt, để biến tiềm năng thành lợi thế phát triển, tỉnh Thanh Hóa cũng sớm ban hành các chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển du lịch. Điển hình là Quyết định 492/QĐ-UBND, ngày 9-2-2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; “Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”... Cùng với đó, tỉnh cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch. Đây cũng chính là điều kiện “đủ”, giúp du lịch Thanh Hóa hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sản phẩm được xem là “linh hồn” của du lịch. Sản phẩm chất lượng quyết định tính hấp dẫn của điểm đến và kết quả tăng trưởng du lịch. Nắm bắt được điều đó, những năm qua, tỉnh ta đã tập trung phát triển đa dạng và chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch theo hướng văn minh, lịch sự. Điển hình là sản phẩm du lịch biển, với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch; đầu tư đồng bộ các dự án đầu tư hạ tầng tại Khu du lịch Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa...; thu hút các tổ hợp dự án đầu tư kinh doanh du lịch quy mô lớn; gắn du lịch nghỉ dưỡng với việc tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch như các lễ hội du lịch biển, Carnival đường phố, lễ hội ánh sáng, lễ hội tình yêu... Đồng thời, bổ sung các sản phẩm du lịch mới, như khai trương tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - Đảo Nẹ, hình thành các homestay, loại hình du lịch dù bay, làng bích họa, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn... Nhờ những bước đột phá của du lịch biển mà tại Lễ vinh danh và trao tặng Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2017, Sầm Sơn đã được vinh danh là 1 trong 5 điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam. Giải thưởng đã góp phần khẳng định hình ảnh, vị trí của du lịch biển Sầm Sơn nói riêng và du lịch biển Thanh Hóa nói chung trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Cùng với đó, sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh cũng được chú trọng phát huy giá trị và bước đầu thu hút lượng khách du lịch đáng kể. Trong đó phải kể đến các khu, điểm du lịch trọng điểm như Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, quần thể di tích văn hóa Hàm Rồng... Sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng đang trở thành thế mạnh của du lịch Thanh Hóa. Theo đó, với việc ưu tiên đầu tư cho các điểm đến cả về hạ tầng, nhân lực, dịch vụ, kết nối tour, tuyến... đã hình thành được các sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút du khách. Điển hình như bản Năng Cát (huyện Lang Chánh), bản Hiêu, bản Đôn (huyện Bá Thước), bản Hang (huyện Quan Hóa), bản Ngọc (huyện Cẩm Thủy), bản Ngàm (huyện Quan Sơn)... Ngoài ra, nhiều sản phẩm du lịch bổ trợ cũng được các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng và đưa vào khai thác. Trong đó phải kể đến tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”; tuyến du lịch làng cổ Đông Sơn; Nông trại Golden Cow (huyện Thường Xuân); Nông trại QueenFarm (huyện Quảng Xương); làng du lịch Yên Trung - Yên Trung Eco-villa (Yên Định)...

Để tạo dựng diện mạo mới cho ngành du lịch, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông tại các địa bàn trọng điểm - động lực như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa...; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch trọng điểm. Đồng thời, bước đầu thực hiện chính sách “mở cửa bầu trời”, với việc tạo điều kiện cho các hãng hàng không mở các đường bay mới kết nối Thanh Hóa với nhiều tỉnh/thành trong cả nước. Đặc biệt, tỉnh đã tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn tại các địa bàn trọng điểm. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch...

Với sự đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy, nhận thức và các giải pháp chính sách hiệu quả, Thanh Hóa đã thu hút được nhiều tên tuổi lớn như FLC, Sun Group, Vin Group, Viettravel, ORG, Flamingo... đầu tư vào du lịch. Cũng chính sự hiện diện của những thương hiệu lớn này đã tạo bước đột phá về chất lượng sản phẩm và góp phần nâng tầm diện mạo cho du lịch Thanh Hóa. Tính đến năm 2020, Thanh Hóa đã thu hút được 79 dự án đầu tư kinh doanh du lịch, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 84.300 tỷ đồng. Trong đó có những dự án quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Điển hình như Sầm Sơn golflinks và Khu đô thị sinh thái FLC (giai đoạn 2, của Tập đoàn FLC) có tổng vốn đầu tư 6.218 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh (của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến), có tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng...

Có thể khẳng định, dựa trên nguồn tài nguyên du lịch, những giải pháp chính sách mạnh mẽ và những con số tăng trưởng ấn tượng (chỉ tính riêng năm 2019, toàn tỉnh đón được 9.655.000 lượt khách, tổng thu đạt 14.526 tỷ đồng), tương lai phát triển của du lịch Thanh Hóa là rất rộng mở. Song, để có thể bứt phá mạnh mẽ và bền vững, du lịch xứ Thanh cần nắm chắc 3 trụ cột là “Con người” - “Cơ sở hạ tầng” - “Chiến lược”. Trong đó, chữ “C” – con người là chìa khóa mở cánh cửa văn hóa du lịch; chữ “C” – cơ sở hạ tầng là tạo ra “xương sống” hay bệ đỡ vững chắc cho ngành du lịch; chữ “C” – chiến lược cũng chính là tầm nhìn dài hạn và phương hướng hành động cụ thể, phù hợp cho từng thời điểm, từng giai đoạn. Đồng thời, phát triển du lịch phải tạo ra sự cân bằng hài hòa giữa kinh tế - văn hóa - môi trường. Có như vậy, du lịch mới thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cùng xứ Thanh cất cánh phát triển lên một vị thế và tầm cao mới.

Trích nguồn: http://baothanhhoa.vn/