Chúng tôi đến làng rèn Tiến Lộc (huyện hậu Lộc) khi thời điểm những người thợ ở làng rèn nổi tiếng nhất xứ Thanh đang chạy đua với thời gian để cho ra lò những sản phẩm chất lượng, bắt mắt nhất để phục vụ bà con dịp Tết. Những ngày này, ở làng rèn Tiến Lộc nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đi khắp nơi ở làng nghề này đâu đâu cũng ròn rã tiếng nện sắt, tiếng búa đập choang choang.
Những năm trở lại đây, hầu hết người dân làng rèn nơi đây chuyển dần từ làm thủ công sang máy móc. Những chiếc máy dập thép được đầu tư tạo năng suất cao hơn nhiều nên được sử dụng phổ biến.
Chì còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết nguyên đán 2020, những người thợ ở làng rèn Tiến Lộc đang khẩn trương cho ra lò những sản phẩm tốt để phục vụ người dân. Các sản phẩm phục vụ ngày Tết chủ yếu là các loại dao thái, chặt…
Tạo phôi thép, một trong những công đoạn quan trọng tạo nên chất lượng của những con dao sắc nhọn. Thép sau khi được nhập về sẽ được gia công, đưa vào lò nung thành phôi để rèn sản phẩm.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng rèn, anh Đạt (một thợ rèn) chia sẻ: “Kể từ khi còn nhỏ chúng tôi đã biết đến nghề rèn thông qua cha ông để lại. Ở đây có 3 làng gồm làng Sơn, làng Bùi, làng Ngọ là làm nghề rèn. Vào ngày giáp Tết thì tất bật lắm, có ngày làm hàng trăm con dao cho khách mà vẫn không kịp. Các lò nấu phôi thép gần như đỏ rực cả ngày lẫn đêm để phục vụ các xưởng rèn”.
Nghè rèn những năm qua có những đổi thay rõ rệt. Thị trường tiêu thụ được mở rộng khiến các sản phẩm ở làng rèn cũng từ đó mà đa dạng, phong phú, cuộc sống người dân dần cải thiện. Mức thu nhập của lao động tại các xưởng sản xuất trung bình dao động từ 150-350 nghìn đồng/ngày tùy theo trình độ tay nghề, bậc thợ.
Từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng rầm rập tiếng máy búa đập thép. Mỗi người thợ, mỗi nghệ nhân lưng đẫm mồ hôi đang tất bật làm nghề với niềm hy vọng được mùa Tết, và một năm mới thương hiệu vươn thật xa hơn nữa.
Anh Đạt ( một thợ rèn ở làng Ngọ) đang gia công bước đầu cho những chiếc cán dao, cán liềm.
Những chiếc cán dao được làm từ gỗ xoan, sau khi gia công sẽ đưa đi tiện, mài nhẵn cho vừa tay cầm.
Để tạo ra được những sản phẩm tốt, những người thợ rèn phải rất kỳ công, tỉ mỉ đến từng công đoạn.
Là người đã có hơn 30 năm làm nghề rèn, ông Trịnh Văn Hiệp (56 tuổi, làng Sơn) chia sẻ: “Những ngày Tết chủ yếu làm dao thái, dao chặt. Mỗi ngày như gia đình tôi có thêm vài công nhân nữa cùng làm cũng trung bình từ 400 – 500 con dao. Nói chung đây là vụ thu hoạch cao nhất trong năm, nhiều khách hàng ở xa họ cũng đặt mua về để bán buôn nên nhiều khi làm không kịp”.
Để kịp chuẩn bị cho thị trường ngày Tết, người dân làng rèn Tiến Lộc đang hối hả chạy đua với thời gian để cho ra những sản phẩm ưng ý nhất.
Trích nguồn: http://baothanhhoa.vn/