Lò Chum là một trong những cơ sở sản xuất gốm quan trọng nhất của xứ Thanh cũng như cả nước, bởi sản phẩm của nó khá độc đáo
Lò Chum – làng thủ công nghiệp cổ truyền với nghề sản xuất gốm sành xuất hiện từ những năm nửa sau thế kỷ XIX, từng nổi tiếng bởi những sản phẩm gốm sành độc đáo, thuộc địa phận thành phố Thanh Hóa. Lò Chum là một trong những cơ sở sản xuất gốm quan trọng nhất của xứ Thanh cũng như cả nước, bởi sản phẩm của nó khá độc đáo.
Tài liệu lịch sử và gia phả các dòng họ làm gốm nơi đây cho biết, nghề gốm sành xuất hiện ở Lò Chum Thanh Hóa là do dân gốm phía Bắc (Thổ Hà và Đanh Xá) đưa về từ những năm nửa đầu thế kỷ XIX, được nhân dân Thanh Hóa tiếp nhận và phát triển mạnh ở hai làng Đức Thọ Vạn và Cốc Hạ dọc đôi bờ sông Bến Ngự. Đây cũng chính là tiền đề, điều kiện để ra đời khu kỹ nghệ làm gốm nổi tiếng – Lò Chum. Nơi đây đã hình thành một sự phân công tự nhiên: Đức Thọ Vạn (Lò Chum) chuyên sản xuất chum, vại, đồ đựng..., Cốc Hạ chuyên sản xuất tiểu sành, tuy còn ở trình độ thấp, nhưng đã chứng tỏ sự phát triển với một quy mô lớn của làng nghề thủ công ở thời điểm lúc bấy giờ.
Sản phẩm gốm sành Lò Chum nổi tiếng cả nước bởi vừa bền, vừa đẹp. Hàng gốm sành Lò Chum đã có mặt không chỉ trong tỉnh mà còn vượt ra cả tỉnh ngoài. Các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, v.v... đều dùng sản phẩm gốm Lò Chum. Theo lời các cụ cao niên ở xã Hoằng Anh (Hoằng Hóa) kể thì nghề buôn gốm ở xã Hoằng Anh xuất hiện đã hơn 100 năm nay. Họ vào mua gốm ở Lò Chum bằng đường sông Mã, rồi theo sông con vào Bến Ngự chở ra phía Bắc bán ở Ninh Bình, Nam Định... Thời đó, cảnh làm ăn ở khu vực Lò Chum tấp nập, khẩn trương, kẻ ra, người vào lấy hàng chuyển xuống thuyền đi bán, hoặc mua về sử dụng diễn ra suốt ngày đêm. Chợ Lò Chum cũng xuất hiện từ đó.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám- 1945 và nhất là sau khi hoà bình lập lại, các chủ lò gốm ở Cốc Hạ, Lò Chum đã sáp nhập, hoặc nhượng lò lại cho Nhà nước để thành lập các HTX sản xuất gốm sứ. Do cải tiến kỹ thuật, ở Lò Chum sau này nung gốm bằng lò bầu, lò rồng hiện đại hơn xưa. Loại lò này đã cho sản phẩm gốm tăng số lượng, chất lượng cũng đẹp, bền hơn xưa. Thời kỳ này, sản phẩm gốm không những được sử dụng trong các gia đình mà còn được sử dụng trong các cơ sở kho tàng Nhà nước, HTX ...
Có thể nói rằng từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX trở về trước đó là thời kỳ hoàng kim của gốm Thanh Hóa với nhiều HTX nổi tiếng đóng tại khu vực Lò Chum như HTX Quyết Thắng, Tân Hương, Xí nghiệp gốm 48... Các nghệ nhân làm gốm nơi đây đã sáng tạo đủ các sắc màu men đen, tím, lục, lam... dưới con mắt ngưỡng mộ của nhiều cơ sở sản xuất gốm trong Nam, ngoài Bắc.
Từ xưa tới nay, nếu so sánh thì chum, vại (đồ sành) được sản xuất ở Lò Chum, tiểu sành sản xuất ở Cốc Hạ, tốt không kém đồ sành ở các nơi cùng sản xuất như Hương Canh (Vĩnh Phúc), Thổ Hà (Bắc Giang), v.v... Trước đây, một số học giả người Pháp đã nhận xét: “Sản phẩm (gốm Thanh Hóa) làm ra thường tốt hơn sản phẩm ở Bắc Kỳ” (1) . Hay: “Đức Thọ Vạn (Lò Chum) được nổi tiếng nhất vì chum, vại đựng nước và nước mắm” (2). Riêng tiểu sành Cốc Hạ đạt chất lượng cao ngoài kỹ thuật truyền thống, điều cơ bản là ở nguyên liệu đất làm gốm tốt, có độ mịn nên khi ghép tiểu và đóng dấu trang trí rồng, phượng sau phơi khô rất dễ dàng. Đặc biệt khi nung ở độ cao không bị nứt rạn. Tiểu sành được nung ở độ cao sẽ không thấm nước, không bị nhũn vỡ, rất bảo đảm cho việc cải táng, không phải nơi nào cũng làm được như ở Cốc Hạ. Sản phẩm gốm Lò Chum, Cốc Hạ nổi tiếng như vậy bởi có nhiều yếu tố quyết định. Đó là kỹ thuật được đúc rút lâu đời ở những người thợ gốm gốc Thổ Hà, Đanh Xá... Các điều kiện khác như giao thông thuận lợi, củi lửa, chất đốt, thị trường, nhân công... cũng tạo cho nghề gốm nơi đây xưa kia phát triển. Song, qua điều tra nghiên cứu chúng tôi được biết, cái quyết định cho chất lượng vẫn là nguyên liệu đất để sản xuất gốm ở Lò Chum đặc biệt tốt, không ở nơi nào so sánh được.
Điểm qua ở xứ Thanh đã có một quá trình phát triển nghề sản xuất gốm đều đặn. Từ nền văn hóa Hoa Lộc, Đông Sơn với gốm Tam Thọ (Đông Vinh, Đông Sơn), gốm Hàm Rồng gần di chỉ Đông Sơn và phát triển cao tại khu gốm Lò Chum là cả một quá trình phát triển liên tục, không hề đứt đoạn. Những trung tâm sản xuất gốm nổi tiếng của xứ Thanh như Tam Thọ, Hàm Rồng, Lò Chum đã đi vào lịch sử dân tộc, đánh dấu những chặng đường phát triển làng nghề thủ công truyền thống. Chính nơi đây đã sản sinh biết bao những nghệ nhân nghề gốm mà tên tuổi họ còn được làng gốm lưu truyền, ái mộ.
Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập những sản phẩm gốm làm bằng thủ công của Thanh Hóa tuy chất lượng cao nhưng không cạnh tranh nổi với sản phẩm nơi khác. Nguyên nhân chính là dây chuyền sản xuất thủ công lạc hậu, giá thành củi đốt quá cao, mà đốt than thì không điều chỉnh được nhiệt. Do đó, các HTX gốm nơi đây đành phải giải thể, mặc dù không phải là không có đầu ra.
Năm 1999, đi khảo sát nghề gốm Lò Chum chúng tôi được biết: Xí nghiệp gốm Quyết Thắng đã giao lại cho cá nhân đảm trách. Một tháng xưởng đốt được từ 2 đến 3 lò và cho ra được từ 2.100 đến 2.200 sản phẩm. Cứ 12 ngày thì dỡ lò với chất đốt chủ yếu là củi. Thị trường tiêu thụ lúc này của cơ sở gồm: Hà Nội chủ yếu mua vại đứng; Nghệ An, Quảng Bình, nước bạn Lào tiêu thụ chum; Nam Định tiêu thụ máng lợn. Đặc biệt, hàng còn được bán sang Pháp (theo đơn đặt hàng) với các sản phẩm chậu sành, rửa bát, vại loại nhỏ, v.v... Với mức độ sản xuất đó, Xí nghiệp đạt doanh thu một năm là 300 triệu đồng, bảo đảm mức lương thợ bậc cao là 600.000 đồng/tháng, bậc vừa 400.000 đồng/tháng, bậc thấp nhất 300.000 đồng/tháng. Xưởng sản xuất đến năm 2003 thì dừng. Hiện nay việc sản xuất gốm ở Lò Chum không còn nữa nhưng những nghệ nhân, những người thợ gốm thì vẫn mong ước có một ngày HTX gốm Lò Chum được thành lập.
Giữ gìn và phát huy được nghề truyền thống gốm sành Lò Chum không chỉ là niềm mơ ước của những nghệ nhân, những người thợ làm gốm Lò Chum mà phải là của tất cả chúng ta – những ai có trách nhiệm với một nghề truyền thống nổi danh đã có tự lâu đời trên quê hương Thanh Hóa. Với chủ trương của Nhà nước về khôi phục làng nghề truyền thống và xây dựng mô hình HTX tiểu thủ công nghiệp mới, các cấp chính quyền cần có giải pháp trong xây dựng HTX nghề gốm, trong đó cần có thêm chính sách phù hợp trên cơ sở vừa bảo lưu nghề thủ công truyền thống vừa tích cực đầu tư thiết bị công nghệ và “đầu ra cho sản phẩm” để nghề truyền thống gốm Lò Chum sống dậy và phát triển.
Trích nguồn: http://kecho.vn/