KINH THÀNH KHÁNG CHIẾN AN TRƯỜNG – VẠN LẠI

 

Cuối đời Lê sơ, nhà Lê suy yếu, năm 1527 mất ngôi vào tay Mạc Đăng Dung. Nhưng chỉ 6 năm sau, năm 1533, nhà Lê bắt đầu dấy nghiệp trung hưng ở Thanh Hóa, quê hương phát tích khởi nghĩa Lam Sơn. Tất yếu chiến tranh nổ ra, địa bàn là Thanh Hóa và lực lượng nghĩa quân chủ yếu cũng là người Thanh Hóa, do An Thanh hầu Nguyễn Kim khởi xướng.

Đất An Trường tên nôm cổ nhất là Kẻ Sánh. Thời Lý – Trần, ông Sính (tức Sánh) mới bắt đầu khai phá đất hoang, lập trại ấp. Ông Sính mất, đất đai trở lại hoang vu. Ông Nguyễn Thiện gốc người Trường An (Ninh Bình) gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, đánh giặc có công được phong tước Đại Trí tự, ban họ vua thành Lê Thiện. Ông không làm quan xin ở lại khai thác đất cũ của ông Sính mà ông Thiện từng một thời gian cư trú lánh nạn giặc Minh. Lê Thiện đem người họ hàng và chiêu mộ dân nghèo đến Kẻ Sánh cày cuốc làm ăn, lập làng đặt tên An Trường để con cháu đời sau không quên gốc tổ Tràng An (chữ An Trường phát âm khác là Yên Trường).

Từ khi dựng nghiệp trung hưng, nhà Lê đóng đô ở nhiều nơi, hoặc Tây Đô hoặc Lam Kinh... Ban đầu, năm 1546, Vua Trang tông lấy Vạn Lại làm hành tại. Năm 1554, nhà vua nhận thấy Lam Kinh chật hẹp, theo lời bàn của Thái sư Trịnh Kiểm: “Chỉ có xã An Trường, huyện Thụy Nguyên (Thọ Xuân), bên tả có nhiều núi, bên hữu có sông to, hình thế rộng thoáng, cảnh tượng tươi đẹp” mới lập hành điện, rước vua đến ở (Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí).

An Trường – Vạn Lại cùng chung dải đất miền bán sơn địa. Bởi ở kề sông Lường (sông Chu) đồng ruộng An Trường được khai phá sớm, dân cư phát triển nhanh chóng. Khi vua Lê chọn đất dựng cung điện, lập quân doanh, làng xã dĩ nhiên sơ tán. Long Hồ vừa rộng, vừa sâu trở thành hồ thủy quân, từ đây thủy quân Lê theo sông Lương ra sông Mã tiến đánh quân Mạc ngoài Bắc. Nó cũng là đường giao thông vận tải thuận tiện, tiếp tế lương thực, mắm muối cho An Trường.

Nhu cầu sinh hoạt thường ngày của cung đình, quân đội, quan lại và dân chúng trong khu vực kinh thành cần phải có phố xá, quán hàng, chợ búa... Ngoài ra còn mở rộng bến thuyền, bến đò. Một vụ “cháy lớn xảy ra, gió to, lửa bốc mạnh, cháy lan cả phủ dinh, trại quân, giải vũ, phố xá đến vài nghìn nhà, mây sắc đỏ che kín cả mặt trời, khói đen đầy trời từ giờ ngọ đến giờ thân mới tắt...” (Đại Việt sử ký toàn thư). Hậu quả vụ cháy lớn cho thấy lúc ấy, An Trường không phải hành cung, hành điện (nơi vua tạm nghỉ khi đi ra ngoài), nó là một kinh thành, kinh thành kháng chiến, thủ đô Trung hưng của nhà Lê. Cuộc kháng chiến kéo dài nhiều năm, ngoài đánh vào, trong đánh ra, sử cũ gọi là Nam – Bắc triều, nhà Mạc là Bắc triều, Nam triều là nhà Lê.

Đất An Trường nhiều thuận lợi cũng lắm khó khăn. Quân Mạc từ ngoài Bắc tiến vào Thanh Hóa, đi đường thủy sông Mã, sông Chu, thẳng tới An Trường đánh phá thành lũy, uy hiếp cung điện vua ở. Phía sau An Trường, tiếp giáp An Trường là Vạn Lại, đồi núi nhấp nhô, chen lẫn gò đống ngổn ngang. Núi không cao, đồi thấp thoai thoải, mênh mông bát ngát, đồng ruộng cằn cỗi, khó mở mang, nổi tiếng nước độc ma thiêng, “muỗi rừng thổi sáo”, “sông Cầu Chày chó lội đứt đuôi!”. Triều đình bàn: Thế đất Vạn Lại đồng ruộng chật hẹp nhưng núi đồi hiểm sâu. Lập quốc tất phải lấy nơi hiểm trở làm căn cứ địa. Sách Vạn Lại núi đứng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương (Việt sử thông giám cương mục).

Vạn Lại cũng như An Trường vốn có truyền thống yêu nước, đánh giặc. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, nhiều người Vạn Lại thành danh tướng công thần: Lê Hối (Nghị Dương hầu, truy phong Nghị quận công), Lê Bôn, Lê Hà Viên tước bá... Các công thần này đều xây dựng cơ nghiệp gia đình ở đây. Khi nhà Lê trung hưng dựng nghiệp, họ lại nhường đất đai đã khai phá để xây dựng cung điện, lầu các, dinh thất, quân doanh, vườn hoa, hồ sen, bến tắm, giếng ngự, thành lũy... Vạn Lại là nơi tương đối an toàn, các Vua Lê Trung tông, Anh tông, Thế tông thường xuyên ở đây để coi việc triều chính. Phủ An Trường, từ Thái sư Trịnh Kiểm đến Trịnh Tùng đều trực tiếp cầm quân kháng chiến chống quân Mạc.

Bấy giờ quân Mạc rất mạnh, thu thập được các danh tướng Lê Bá Ly, Lê Khắc Thận, Nguyễn Khải Khang, Nguyễn Thiến... nhưng vì nội bộ tướng sĩ mâu thuẫn, họ đều bỏ theo nhà Lê. Phía quân Lê lúc mạnh, lúc yếu. Có lần đánh ra tận Đông Đô mà còn phải rút về Thanh Hoa, vì tự biết mình chưa đủ sức chiếm lại thành Thăng Long, buộc lui quân để củng cố lực lượng.

Năm 1554 Vua Lê mở khoa thi văn học đầu tiên ở Vạn Lại. Kết quả khoa thi này chọn được 13 người, người đỗ đầu là đệ nhất giáp chế khoa Nguyễn Văn Nghi, quê quán huyện Đông Sơn. Vua Mạc Phúc Nguyên nổi giận sai Khiêm vương Mạc Kính Điển đem đại quân vào Thanh Hoa, nhằm phá tan Vạn Lại, bị phục binh ở núi Kim Sơn và chợ Ông Công(1) đánh thua tan tác, rút chạy về Bắc.

Năm 1559, Trịnh Kiểm đem đại quân ra Bắc, đánh phá các nơi, tiến binh lên tận Kinh Bắc, Lạng Sơn, chiếm cứ Hải Đông, Sơn Tây, đánh đâu thắng đó, dân chúng vẫn nhớ nhà Lê, nơi nơi hưởng ứng, chốn chốn theo về. Thành Đông Đô rung động, Vua Mạc Phúc Nguyên sợ phải di chuyển triều đình ra ngoài cửa Nam. Các tướng giỏi nhà Mạc ở vào thế bị động, đối phó nơi này mất nơi kia. Phúc Nguyên lo lắm hỏi Trạng nguyên Giáp Trưng kế sách. Giáp Trưng đáp: Sao bệ hạ không dùng kế “công Ngụy cứu Hàn?”. Trịnh Kiểm đem hết quân tinh nhuệ đánh phá các nơi, kinh thành Vạn Lại – An Trường chắc không còn đủ lực lượng chống giữ. Hãy tập trung đánh phá kinh ấp, ruột gan của địch, Trịnh Kiểm phải đem quân về cứu, về chưa kịp thì thành đã mất, hỏi còn nương tựa vào đâu? Thế là mất cả chì lẫn chài! Phúc Nguyên vui mừng sai gọi các tướng giỏi về, giao cho Khiêm vương Mạc Kính Điển làm Tiết chế, ngầm tiến gấp đại binh vào Thanh Hoa.

Hai tướng trấn ải Lại Thế Khanh, Vũ Sư Thước chống giặc ở cửa Thần Phù liệu thế không đối phó nổi, phi thuyền chạy vội về Vạn Lại, sai thám mã cấp tốc ra Bắc báo tin cho Trịnh Kiểm biết mau trở về Thanh Hoa gấp, cứu An Trường – Vạn Lại, chỗ đất đứng chân, cũng là nơi yết hầu của Vua Lê.

Kính Điển cùng hàng vạn quân sau gần một tháng trời bao vây đánh phá An Trường – Vạn Lại rất ác liệt, chiếm được cửa ải An Trường, thừa thắng bao vây kinh thành Vạn Lại. Tình thế vô cùng nguy cấp. Vợ con Thái sư và cung phi Vua Lê chạy thoát lên vùng đồi núi Vạn Lại. Thành Vạn Lại cũng sắp bị vỡ đến nơi. Tuấn hoàng đế (Duy Anh) hỏi kế Lương Hữu Khánh. Hữu Khánh tâu: Bệ hạ hãy cầm gươm lên ngựa phi quanh thành để cổ vũ quan quân!

Thấy nhà vua cưỡi ngựa phi ra lũy tiền, quân sĩ phấn chấn hẳn lên, reo hò vang dội, Mạc Kính Điển tưởng Trịnh Kiểm đã về cứu, sợ trong đánh ra, ngoài đánh vào, sẽ kẹp nát quân Mạc ở giữa, nổi hiệu thu quân. Sau biết không phải, Kính Điển lại ra lệnh phải đánh thật gấp để thắng thật nhanh. Trời tháng chín, sương giăng mù mịt, quân Lê bố trí phục binh ngoài mặt lũy, quân Mạc rơi vào bị đánh thua đau, các toán khác sợ hãi chùn bước. Quân Lê đã về kịp. Quân Mạc giật mình vội rút nhanh xuống thuyền, trốn chạy ra sông Mã để về Bắc.

Giữa năm 1570 Trịnh Kiểm mất, hai anh em Trịnh Cối, Trịnh Tùng lục đục, tranh nhau quyền Tiết chế. Nhà Mạc nhân cơ hội muốn diệt nhà Lê tận gốc. Mạc Kính Điển đem 700 chiến thuyền xâm phạm Thanh Hoa. Thấy thế quân Mạc quá mạnh, Trịnh Cối đem quân hàng nhà Mạc. Vua Lê phong Trịnh Tùng làm Tiết chế nắm giữ toàn bộ binh quyền. Quân Lê tướng ít quân yếu đành cố thủ trong lũy An Trường. Vua Lê đóng giữ Vạn Lại. Trịnh Cối đem một vạn quân uy hiếp An Trường – Vạn Lại, nhưng không làm gì nổi. Quân Mạc đã tiến đến sông Mã, sông Lam (sông Chu), suốt từ Ưng Quan, bến Bổng trở xuống, khói lửa mù trời do giặc đốt phá. Chúng cắm cờ rợp đất hai bên bờ sông để thị uy. Chúng dân sợ hãi đem nhau chạy trốn, tiếng kêu khóc đầy đường lấp ngõ, bao nhiêu tiền của, gia súc, phụ nữ ở làng xóm hai bên bờ sông đều bị quân Mạc cướp mất cả (Đại Việt sử ký toàn thư).

Mạc Kính Điển sai tướng sĩ đánh phá lũy An Trường suốt ngày đêm, nhưng vấp phải sức kháng cự của quân Lê mãnh liệt không kém. Kính Điển nghĩ kế vây thành diệt viện, cứ bao vây lâu ngày, khi quân Lê trong thành lũy hết lương ăn tất vua tôi phải đầu hàng. Một đêm mới rạng sáng, Kính Điển chứng kiến lũy An Trường mới mọc thêm một tòa thành dài ước hơn 10 dặm bao bọc chung quanh trông hết sức kiên cố. Ông giật mình lo sợ, bảo ngay các tướng: “Ta xem địch kỷ luật nghiêm minh, sức còn mạnh và trên dưới một lòng, liều thân chống cự. Nếu dùng kế bao vây lâu dài, e địch có thời gian củng cố thêm sức lực, chi bằng tốc chiến tốc thắng, đánh thật gấp cho chúng không kịp mở mắt, trở tay, mới triệt bỏ được cái hang hùm ổ sói này!”.

Kính Điển đích thân đốc tướng sĩ đánh phá lũy suốt ngày đêm không lúc nào ngớt. Ông lại chia quân đánh lấy các huyện Lôi Dương, Nông Cống, các châu Da, Tàm, biến Thanh Hoa thành bãi chiến trường, khiến chúng dân phải chạy trốn vào rừng, lên núi, đồng ruộng bỏ hoang cỏ mọc, không thể cày cấy. Các tướng Lê đem binh đánh giữ các vùng đất để chia bớt lực lượng quân Mạc. Sau thời gian đánh thành mệt mỏi ở An Trường – Vạn Lại và đại bại ở Đường Nang (Quảng Xương), Bút Sơn (Hoằng Hóa), Mạc Kính Điển qua đời, Vua Mạc sai Mạc Đôn Nhượng cầm quyền Tiết chế cũng vô kế khả thi. Lực lượng quân Lê ngày càng lớn mạnh, năm 1593 Vua Lê Thế tông (con Anh tông) khôi phục cơ đồ, trở lại Thăng Long. Tuy nhiên, lúc này dư đảng quân Mạc còn chưa bị quét sạch, những lúc Đông Đô khó giữ yên, nhà vua lại phải về kinh thành Vạn Lại - căn cứ địa để phòng biến cố xảy ra.

Dù không có sử liệu ghi chép rõ việc kiến thiết xây dựng An Trường – Vạn Lại như thế nào, nhưng dựa vào địa danh các cánh đồng, ta được biết một số công trình từng tồn tại trong kinh thành kháng chiến:

- Đầu phủ: Phía Tây cung vua phủ chúa.

- Trung Phủ: Khoảng giữa cung điện.

- Phủ Đường: Dấu tích xưa xây dựng phủ đường.

- Hồ Sen: Hồ thả sen của vườn ngự.

- Thành Chân: Đồng gần chân thành lũy An Trường.

- Dốc Lũy Cụt: Nguyên tường thành này rất dài, mốc từ đây đến lăng Lam Sơn mới hết (Thượng tự Lam Sơn, hạ chí Lũy Cụt).

- Hố Súng: Ruộng trũng cạnh kho vũ khí.

- Dọc Gạo(2): Ruộng sâu cạnh kho gạo.

- Đồng Cốc: Đồng cạnh kho lúa.

- Bến Tắm Tiên: Nơi tắm của cung phi, phu nhân.

- ... ...

Cuối thế kỷ XVII, nhà Lê suy yếu, đế nghiệp chuyển sang nhà Tây Sơn rồi nhà Nguyễn Gia Long. Cả hai nhà đều tàn phá An Trường – Vạn Lại thành tro bụi. Cùng với 8 làng hương Lam Sơn. Đời Tự Đức, hương Lam Sơn mới được triều đình Nguyễn cho phép thành lập lại xóm làng. Đôi voi đá đang quỳ chân kính cẩn trên đám cỏ rậm xưa là sân rồng. Những con ngựa đá mấy trăm năm vẫn đứng hiên ngang, trên lưng chỉnh bị yên cương như lúc nào cũng sẵn sàng xông trận. Dấu vết điện Thị triều còn đó, nơi diễn ra các kỳ thi tiến sĩ, tuyển dụng nhân tài phục vụ cho đất nước hiện tại và mai sau, mặc dù đất nước lúc đó vẫn mù mịt khói lửa chiến tranh. Việc học hành được khuyến khích, các khoa thi tiến sĩ mở ra, sĩ tử vùng Thanh – Nghệ lại lều chõng đến kinh đô kháng chiến Vạn Lại, Nhà Lê Trung hưng, khoa thi đầu tiên đời Trung tông năm 1554, lấy đỗ tiến sĩ xuất thân và đồng xuất thân 13 người. Khoa thi thứ hai, năm 1565, lấy đỗ 10 người, đỗ đầu đệ nhất giáp: Lê Khiêm, người Thọ Xuân. Khoa thi thứ ba, năm 1577, đời Lê Thế tông, lấy đỗ 5 người, đỗ đầu đệ nhất giáp Lê Trạc Tú, người Thượng Cốc, Thọ Xuân. Khoa thi thứ tư năm 1580, phục lại khoa thi Hội, lấy đỗ tiến sĩ 6 người, Hội nguyên, Đình nguyên Hoàng giáp: Nguyễn Văn Giai, xã Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh). Khoa thi thứ năm, năm 1583 lấy đỗ tiến sĩ 4 người, đỗ đầu đệ nhị Giáp: Nguyễn Nhân Thiêm, người xã Bột Thái, huyện Hoằng Hóa. Khoa thi thứ sáu, năm 1589, lấy đỗ tiến sĩ 4 người, Đình nguyên Lê Nhữ Bật, người xã Vĩnh Trị, huyện Hoằng Hóa. Khoa thi thứ bảy, năm 1592, khoa thi cuối cùng nhà Lê Trung hưng tổ chức ở đô thành kháng chiến An Trường – Vạn Lại, lấy đỗ tiến sĩ 3 người, lấy đỗ Đình nguyên Hoàng giáp Trịnh Cảnh Thụy, xã Chân Bái, huyện Yên Định.

Nhà Lê Trung hưng buổi đầu ở Nam triều, trong khoảng thời gian 50 năm máu lửa, mở 7 khoa thi tiến sĩ, có cả Hội nguyên và Đình nguyên như thời thái bình thịnh trị. Việc thi cử không vì chiến tranh mà mở rộng, khoa thi cao nhất 13 người, thấp nhất chỉ 3 hoặc 4 người, có những ông sau này trở thành cột trụ triều đình, nổi tiếng như Đinh Bạt Tụy, Lê Trạc Tú, Nguyễn Văn Giai, Trịnh Cảnh Thụy...

Thời kỳ chiến tranh, Vạn Lại đúng là hiểm sâu hơn An Trường, nhưng thời bình An Trường nhiều mặt thuận lợi hơn Vạn Lại. Phần nhiều đồi núi Vạn Lại không tên. “Danh ngôn đệ nhất” là đồi Tùng, núi Gò Tô. Gò núi đá này cao chỉ chừng 50-60m ta có cảm giác từ đâu lưu lạc tới đứng sừng sững một dãy giữa vùng đồi hoang vu bát ngát. Ở đây có mỏ phốt - phát và quan trọng là “một nhà bảo tàng cách mạng” - Nơi hội tương tế ái hữu của Đảng thành lập, lãnh đạo 400 công nhân đồn điền cà phê Vạn Lại đấu tranh chống bọn quản lý Tây... thời kháng chiến chống Pháp, núi Gò Tô nhộn nhịp Sư đoàn 304 rèn cán chỉnh quân và rộn ràng xưởng cơ khí quân giới 66 sản xuất súng đạn cung cấp cho chiến trường. Hang núi đá Gò Tô cũng là chỗ bảo vệ an toàn cho nhiều chiến sĩ cộng sản về hoạt động vùng liên xã Xuân Châu, Thọ Lập, Quảng Phú...

Thời kỳ khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp xâm lược, lãnh tụ Tống Duy Tân lợi dụng địa thế hiểm trở của đồi núi Vạn Lại bố trí trận địa nhử địch vào vòng vây trùng điệp dăng khắp vùng đồi gò bao la để tiêu diệt. Ngày 30-11-1889, sĩ quan Pháp Lơ-phe-vơ-rơ chỉ huy 300 tên Pháp – Ngụy tiến vào vùng đồi núi Vạn Lại lùng sục nghĩa quân. Lập tức chúng sa lưới “trận đồ bát quái” của nghĩa quân. Nhiều lính Pháp – Ngụy bị chết ngay tại trận. Chỉ huy Lơ-phe-vơ-rơ trúng đạn bị trọng thương, phải đưa xuống tàu thủy chạy về tỉnh lỵ Thanh Hóa cứu chữa. Hai ngày sau, mùng 2-12-1889, nghĩa quân được nhân dân Vạn Lại – Yên Lược giúp đỡ, bất ngờ tập kích đồn Yên Lược bằng vũ khí thô sơ, địch chống đỡ không nổi chạy về đồn Ngọc Lặc bỏ lại nhiều xác chết. Những nơi Đồng Lạch, Cà Lồ, Đồng Sẩn, gần đây còn dấu tích mồ chôn Pháp – Ngụy.

Tư bản thực dân Pháp là Lu-i Rây-mô và Tô-mát chiếm tới 170 ha làm đồn điền trồng cà phê, nuôi trâu bò. Sau năm 1930 phong trào cách mạng ở đây phát triển, công nhân và dân nghèo Vạn Lại đoàn kết đấu tranh chống lại Tây và cường hào đạt nhiều thắng lợi. Năm 1944 tổ chức Mặt trận Việt Minh ở Vạn Lại và đồn điền thành lập, bí mật mua sắm, tự rèn vũ khí, ngày 19-8-1945 cướp chính quyền, giết Tây đồn điền, thành lập chính quyền cách mạng.

Truyền thống Yên Trường – Vạn Lại sản xuất giỏi, chiến đấu kiên cường, nay càng phát huy trong thời đại đổi mới. Những “binh đoàn” mía trùng trùng ra trận, múa gươm, phất cờ tấn công vào đồi gò đói nghèo, cằn cỗi, biến thành một vùng nông thôn trù phú. Nơi đây đã từng in dấu lịch sử nửa thế kỷ lộng lẫy vàng son cung điện, phố phường đô hội của kinh thành kháng chiến nhà Lê Trung hưng, khi đất nước yên bình được đặt tên Nghi kinh, ghi dấu nơi phát tích nhà Lê Trung hưng, cung điện, kho tàng vẫn giữ nguyên phòng khi Thăng Long Đông kinh bị biến loạn.

(1). Huyện Vĩnh Lộc.

(2). Dọc hay rọc, roọc: Ruộng sâu.

Theo Báo Thanh Hóa