Thọ Xuân là một trong những “đất nghề” của xứ Thanh. Và nói đến các loại đặc sản hay ẩm thực đặc trưng của địa phương, thì bánh gai Tứ Trụ (làng Mía, xã Thọ Diên) không phải là cái tên xa lạ.
Xuất hiện từ thời Hậu Lê (thế kỷ XV), với sức hấp dẫn riêng có, món ăn dân dã này từng là đặc sản tiến vua. Như tên gọi của nó, loại nguyên liệu đặc biệt làm nên nét riêng của bánh gai Tứ Trụ là lá gai nếp. Lá gai được chọn kỹ, luộc chín, rửa sạch, ép khô rồi nghiền thành bột. Sau đó trộn đều với mật mía và bột gạo nếp cái hoa vàng. Ba loại nguyên liệu trên được luyện lên cho dẻo để làm vỏ bánh. Còn nhân bánh gồm đậu xanh bóc vỏ nấu chín, giã mịn cùng dừa nạo trộn với đường trắng, tinh dầu chuối, hành củ nướng chín và thịt lợn giã tơi. Khi nhân được cho vào giữa lớp vỏ đen, ve tròn, rắc vừng rồi gói vào lá chuối khô, bánh sẽ được đem đồ. Bánh gai chín mềm, ngọt, thơm và vị ngậy đậm đà của nhân hòa quyện cùng lớp vỏ.
Hiện xã Thọ Diên có khoảng 36 hộ làm nghề thường xuyên và chừng 100 hộ làm thời vụ vào các dịp lễ, tết (trong đó, tập trung chủ yếu ở làng Mía). Bánh gai Tứ Trụ đã trở thành món quà phổ biến của xứ Thanh và có mặt ở nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh... Nhằm tìm ra hướng đi bền vững và hiệu quả cho nghề truyền thống này, năm 2014, UBND xã Thọ Diên đã xây dựng và triển khai Đề án “Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống gắn với xây dựng thương hiệu bánh gai Tứ Trụ”. Đồng thời, xây dựng hồ sơ đăng ký thương hiệu cho sản phẩm. Theo đó, thương hiệu và lô gô “Bánh gai Tứ Trụ xã Thọ Diên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Đặc biệt, việc làng Mía được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh Thanh Hóa, đã và đang tạo cơ sở để xây dựng thương hiệu bánh gai, gắn với giữ gìn bản sắc truyền thống và cải tiến kiểu dáng, mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cùng với nghề làm bánh gai Tứ Trụ đang hoạt động hiệu quả, với doanh thu hàng năm đạt khoảng 27 tỷ đồng; huyện Thọ Xuân còn nhiều nghề và làng nghề truyền thống lâu đời. Trong đó phải kể đến nghề làm bánh lá răng bừa xã Xuân Lập; nghề đan nón lá xã Thọ Lộc; nghề làm nem nướng (thị trấn Thọ Xuân và các xã Thọ Diên, Xuân Bái); nghề làm kẹo lạc xã Xuân Yên. Bên cạnh đó, địa phương còn có các nghề truyền thống tương đối phát triển là nghề mộc, nghề đan rổ rá và trồng cam, bưởi... Thực hiện chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm”, UBND huyện Thọ Xuân đã có Công văn số 643/UBND-KTHT, ngày 15-5-2019, về việc rà soát kết quả hoạt động kinh doanh của các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện. Từ đó, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện các điều kiện duy trì, mở rộng các nghề và làng nghề. Đồng thời, có sự định hướng đầu tư, phát triển phù hợp với điều kiện thực tế.
Để triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm“, điểm mấu chốt là phát triển, nhân rộng các mô hình, các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp và hiệu quả. Từ đó, sản xuất ra các sản phẩm truyền thống và dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế nông thôn. Những năm qua, huyện Thọ Xuân đã chú trọng đầu tư phát triển, mở rộng và xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm truyền thống, như bánh gai Tứ Trụ, bưởi Luận Văn và gần đây nhất là bánh lá răng bừa Xuân Lập. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển sản xuất và quảng bá các sản phẩm, các đặc sản làng nghề. Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động, nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các làng nghề, trong đó có việc hỗ trợ các làng nghề tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm nông sản, ẩm thực được địa phương giới thiệu tại hội chợ, đã thu hút được sự quan tâm của khách tham quan. Từ đó, mở ra cơ hội hợp tác, trao đổi hàng hóa giữa các làng nghề với khách du lịch và doanh nghiệp.
Có thể nói, việc quan tâm đầu tư gìn giữ, nhân rộng và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống có thế mạnh, là hướng đi đúng đắn của huyện Thọ Xuân. Đây là cơ sở để địa phương phát huy nội lực và gia tăng giá trị các sản phẩm nông sản. Từ đó, từng bước phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Trích nguồn: Baothanhhoa.vn