Bá Thước là huyện miền núi cao nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hoá, có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ quanh năm và văn hóa truyền thống giàu bản sắc dân tộc. Đây là tiềm năng, thế mạnh để huyện Bá Thước phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, lưu trú, nghỉ dưỡng, homestay, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Toàn cảnh huyện Bá Thước
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXII nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định: Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm làm đòn bẩy giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đến năm 2020, tầm nhìn 2030” và được UBND tỉnh phê duyệt. Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của đề án đề ra là: Tập trung chỉ đạo quyết liệt về công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tăng cường thu hút đầu tư đa dạng hóa các sản phẩm du lịch hiện đại, chuyên nghiệp; đồng thời chú trọng khôi phục làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, văn hóa ẩm thực...để thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú, nghỉ dưỡng. Từ đó, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, trình độ dân trí, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Cùng với việc thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết, từ năm 2017 đến nay, huyện Bá Thước đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, như: Điện, đường giao thông liên thôn, liên xã, viễn thông, các thiết chế văn hóa, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, lắp đặt biển chỉ dẫn đến các khu, điểm tham quan du lịch ở bản Đôn (xã Thành Lâm), bản Báng và Kho Mường (xã Thành Sơn), bản Hiêu (xã Cổ Lũng), thác Muốn (xã Điền Quang); vừa giúp du khách thuận lợi trong việc tiếp cận các khu, điểm du lịch trên địa bàn, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối các điểm đến du lịch trong và ngoài huyện. Bên cạnh đó, huyện Bá Thước còn chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển du lịch. Nhờ đó đến nay, huyện Bá Thước đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Điển hình như các dự án lớn: Khu nghỉ dưỡng Puluong Eco Garden (xã Thành Sơn), Puluong Natura, Puluong Retreat, Puluong Treehouse (xã Thành Lâm)...Trung bình, các khu nghỉ dưỡng này đón từ 700 - 900 lượt khách/tháng, trong đó 60% là khách quốc tế.
Khu du lịch Pù Luông - một trong những điểm đến hấp dẫn của huyện
Trong năm 2019, huyện Bá Thước có 3 điểm du lịch được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh gồm: Bản Hiêu, bản Kho Mường và bản Đôn. Đặc biệt được Văn Phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương khảo sát và chọn 2 làng du lịch cộng đồng ở Bá Thước làm sản phẩm OCOP điểm của Trung ương, gồm: Dự án xây dựng công viên tre luồng và chuỗi du lịch sinh thái Pù Luông tại các làng du lịch cộng đồng ở xã Thành Sơn và Cổ Lũng. Đây không chỉ là cơ hội giúp huyện Bá Thước quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch mà còn mở ra cơ hội trong việc hoàn thiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp, cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng, chất lượng dịch vụ tại các khu du lịch này được nâng lên một cách đáng kể, đáp ứng tốt hơn các điều kiện về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, quản lý Nhà nước về du lịch, thu hút ngày càng đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú, nghỉ dưỡng và khám phá, thưởng thức văn hóa ẩm thực.
Những thửa ruộng bậc thang vô cùng ấn tượng
Với tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú mà tiêu biểu là cảnh quan sông núi; hệ sinh thái trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đa dạng, nhiều thác nước hùng vĩ phân bố rải rác trong huyện, khí hậu mát mẻ, trong lành, nhiều di tích lịch sử hào hùng như: Đồn Cổ Lũng, sân bay Pù Luông…Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Bá Thước có nhiều làng người Thái, người Mường còn giữ nguyên được nếp nhà sàn truyền thống trong không gian văn hóa vùng núi tạo cho Bá Thước các yếu tố quan trọng phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng và du lịch cộng đồng. Đây là một trong những hướng đi phù hợp với tài nguyên và vị thế hiện có của huyện, nhằm phát triển thành điểm đến du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh không chỉ trong tỉnh mà còn trong cả vùng.
Thác nước hùng vĩ nằm trong khu du lịch sinh thái của huyện
Để có thể biến những tiềm năng du lịch của Bá Thước thành cơ hội để có được những đóng góp cụ thể vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, một trong những nhiệm vụ phải được triển khai là: chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, nhất là phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, đồng thời phát huy giá trị văn hóa của địa phương bằng những hoạt động cụ thể hóa việc nghiên cứu xây dựng hệ thống các loại hình du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng, có khả năng cạnh tranh, phù hợp với thực tế và nhu cầu của thị trường.
Bá Thước chú trọng đến phát triển du lịch đồng thời phải giữ được nét hoang sơ mộc mạc vốn dĩ của nó
Với việc thực hiện đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Bá Thước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030"là hết sức quan trọng và cần thiết. Đề án cho phép huyện Bá Thước chủ động trong khai thác những lợi thế về tiềm năng sẵn có để xây dựng loại hình du lịch cộng đồng thành sản phẩm du lịch độc đáo, đủ sức cạnh tranh với các điểm đến khác trong cùng khu vực. Hơn nữa, phát triển mạnh du lịch cộng đồng tại Bá Thước còn tạo ra tiền đề để tăng cường công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy thu hút đầu tư vào các điểm đến khác có lợi thế nhằm mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế - xã hội của huyện miền núi còn nhiều khó khăn./
Trích nguồn: vietnamhoinhap.vn