Hướng đến thương mại điện tử cho làng nghề

KHPTO - Trong thời đại công nghệ số, nhiều giao dịch mua bán phát triển dựa vào kênh bán hàng điện tử, vì thế sản phẩm làng nghề truyền thống cần có chiến lược quảng bá, thương mại thông qua kênh bán hàng điện tử.

TP.HCM có nền tảng công nghệ số và phát triển thương mại điện tử mạnh mẽ, đây là điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các sản phẩm làng nghề. Làng nghề, ngành nghề nông thôn ở TP.HCM rất đa dạng và phong phú, nhiều sản phẩm, trong đó có sản phẩm xuất khẩu sang các nước và được khách hàng ưa chuộng.

Các làng nghề tạo ra sản phẩm cần chủ động tìm nhiều kênh tiêu thụ và quảng bá, trước đây chỉ phụ thuộc vào thương lái thu mua hoặc bán tại cửa hàng thì ngày nay có thể xây dựng kênh tiếp thị, bán hàng qua mạng xã hội, trang thương mại điện tử và cả website bán hàng. Thương mại điện tử mở ra cơ hội cho các làng nghề, giúp cho làng nghề có thể thâm nhập vào chuỗi cung ứng và có điều kiện phát triển mạnh hơn.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong chương trình đào tạo nghề nông thôn cần có chương trình đào tạo thương mại điện tử, nhất là đối tượng trẻ, là con em trong làng nghề. Bởi đây là đối tượng tiếp cận nhanh, có thể hỗ trợ tốt cho làng nghề trong việc kinh doanh. Các cơ quan quản lý, hiệp hội cần xây dựng các chuyên đề tuyên truyền về thương mại điện tử để nâng cao nhận thức và hiểu biết cho doanh nghiệp, người dân tại các làng nghề. Các làng nghề xuất phát từ điều kiện thực tế của mình triển khai áp dụng các giai đoạn của thương mại điện tử.

Đồng thời, cần phát triển liên kết trong nội bộ làng nghề với bên ngoài trong phát triển thương mại điện tử, tăng cường hỗ trợ của Nhà nước cho thương mại điện tử tại các làng nghề. Xây dựng môi trường thương mại điện tử hiện đại, đồng bộ. Vấn đề quan trọng là xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại từng làng nghề.

Trích nguồn: khoahocphothong.com.vn