Chiếu Nga Sơn: Món quà độc đáo hấp dẫn du khách

Về Nga Sơn (Thanh Hóa) du khách không chỉ được tham quan nhiều di tích danh lam thắng cảnh nổi tiếng: Động Từ Thức, đền thờ Mai An Tiêm, chùa Tiên, chùa Hàn Sơn, cửa Thần Phù... được thưởng thức các món ăn đặc sản nổi tiếng được chế biến từ dê núi, ốc núi, gỏi nhệch, uống rượu trắng đậm đà Nga Điền mà còn được mua những món quà ý nghĩa chiếu cói về làm quà.

Chiếu Nga Sơn đẹp và hấp dẫn bởi sự quyến rũ riêng của nó. Chẳng thế mà có câu: "Chiếu Nga Sơn - gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông"... Niềm tự hào về chiếu cói Nga Sơn không chỉ được biết đến trong chương trình học phổ thông mà còn trong các bài hát giới thiệu về miền đất và con người xứ Thanh: "Về Nga Sơn mua một đôi chiếu - Tới Hà Trung ăn mía đường chèo ngon sao..." Vì sao chiếu Nga Sơn lại nổi tiếng như vậy. Đặc thù vùng nguyên liệu chiếu cói được nằm ở 8 xã vùng biển có đất đai màu mỡ. Vì thế đã tạo nên những sợi cói nhỏ dài, mềm và óng mượt. Theo lời kể của các cụ xưa rằng: Chiếu cói Nga Sơn cùng với chiếu Kim Sơn "Ninh Bình" là một trong những vật cống tiến triều đình, được các bậc vua chúa, quý tộc ưa dùng. Trải qua hơn 150 năm tồn tại với các bước thăng trầm khác nhau, chiếu Nga Sơn đã làm nên thương hiệu cho địa phương góp phần tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động.

Người dân vùng nguyên liệu đang dệt chiếu.

Ngày nay sản phẩm chiếu cói Nga Sơn đang được xây dựng thành thương hiệu có chỉ dẫn địa lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt những sản phẩm được chế biến từ chiếu cói: chiếu đậu, chiếu hoa đòi hỏi kĩ thuật cao và những mặt hàng thủ công mỹ nghệ với những họa tiết hoa văn đẹp như làn, mũ dép, hộp, tấm thảm, đồ dùng trang trí khác... rất được ưa chuộng cũng là món quà độc đáo cho mọi người khi về vùng đất này. Các sản phẩm trên còn được xuất khẩu sang các nước châu Á, châu Âu được người tiêu dùng ưa thích... Đồng thời tạo nhiều việc làm cho người dân các vùng trồng nguyên liệu cây cói, làng nghề, gia đình dệt chiếu.

Mặc dù những năm gần đây, do sự thay đổi của thị trường nên sản phẩm xuất khẩu chiếu cói còn hạn chế. Một số vùng trồng cói đã chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng lúa, nuôi trồng thủy sản. Song những vùng cói có giá trị năng suất chất lượng vẫn được duy trì và phát triển.

Để giữ vững thương hiệu cói Nga Sơn trong điều kiện hiện nay, vì thế cần có chiến lược lâu dài về cơ chế chính sách khuyến khích người dân vùng trồng cói giữ vững diện tích, đầu tư kĩ thuật, cải tạo vùng trồng cói nâng cao giá trị thu nhập/diện tích. Bên cạnh đó đẩy mạnh phát triển các làng nghề, gia đình dệt chiếu, cải tạo mẫu mã, tìm kiếm đối tác xuất khẩu nước ngoài và tiêu thụ trong nước...

Trích nguồn: vanhoadoisong.vn