Bá Thước: Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới

Phát huy tiềm năng, thế mạnh từ khí hậu, đất đai và nguồn lao động dồi dào, những năm qua, huyện miền núi Bá Thước đã quan tâm chỉ đạo, vận động, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nhân dân trong vùng.

Mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu của hộ sản xuất Ngô Hải Chiến ở thôn Tráng thị trấn Cành Nàng được triển khai từ đầu năm 2020 với hệ thống nhà lưới rộng 1.000m2 nằm trong khu vườn 2.500m2 của gia đình. Chị Hiền cho biết: “Với khu đất vườn rộng rãi phía sau nhà, chị Hiền cùng với 2 hộ gia đình khác đã tìm hiểu và quyết định đầu tư mô hình nông nghiệp CNC theo hình thức liên kết với một công ty ở huyện Thọ Xuân. Các hộ gia đình bỏ vốn để xây dựng hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, công ty liên kết cung cấp giống, phân bón và trực tiếp hướng dẫn gia đình quy trình chăm sóc cây trồng, thu hoạch sản phẩm. Bình quân mỗi cây dưa cho thụ phấn khoảng 1 quả là phù hợp với dây leo, 1.000 m2 đất tương đương với gần 2.300 gốc cây dưa Kim Hoàng Hậu, 1 quả nặng khoảng 2,8 kg, sản phẩm sau khi thu hoạch được các tiểu thương, đại lý, doanh nghiệp liên kết đến thu mua đem đi bán trên địa bàn huyện và nhập ra các tỉnh ngoài..Mô hình đã đem lại hiệu quả bước đầu với các sản phẩm chủ yếu là dưa Kim Hoàng hậu, đạt năng suất, chất lượng. Chị Hiền phấn khởi bởi mỗi năm làm được 3 vụ dưa, thu được khoảng 9 tấn, trừ các chi phí cho lãi khoảng hơn 150 triệu đồng”. Với hiệu quả từ khu sản xuất nhà lưới, cùng với sự hỗ trợ 50 triệu đồng của Nhà nước sau những vụ đầu thu hoạch trong thời gian qua, dự kiến của gia đình trong thời gian tớitiếp tục đầu tư thêm một khu nhà lưới 1.000m2 trên phần diện tích vườn còn lại để mở rộng sản xuất nông nghiệp, quyết tâm thực hiện ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC dưa Kim Hoàng Hậu 

Từ những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ở thị trấn Cành Nàng và một số xã, chính là minh chứng sinh động nhất góp phần mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao Bá Thước, nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng đất đai, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và giải quyết việc làm cho người lao động. Đây cũng là những giải pháp góp phần thực hiện chương trình “Phát triển nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển du lịch” - một trong 2 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra, phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC của huyện đạt 1.720 ha.

Đoàn Pv Việt Nam Hội nhập tham quan mô hình sản xuất tại thôn Tráng - thị trấn Cành Nàng

Phát triển nông nghiệp CNC là nhiệm vụ quan trọng mà huyện Bá Thước đặt ra trong giai đoạn 2020-2025. Tuy nhiên, hiện nay, nông nghiệp CNC ở huyện Bá Thước mới đang manh nha, diện tích ít, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Đối với lĩnh vực trồng trọt, ngoài những cây trồng chủ lực là các cây công nghiệp phục vụ sản xuất cho các nhà máy như (mía, sắn, gai với tổng diện tích khoảng 4.000 ha); các cây lâm nghiệp (luồng, keo, xoan, lát với tổng diện tích 26.000 ha) hay các loại cây lương thực, như: lúa (4.800 ha/năm), ngô (2.200 ha/năm) thì các cây trồng hàng hóa theo hướng nông nghiệp CNC mới phát triển manh nha ở một vài nơi, diện tích chỉ khiêm tốn với hơn 4.000m2 nhà màng, nhà lưới, tập trung ở khu vực trung tâm huyện và một số xã. Chăn nuôi còn phát triển nhỏ lẻ, mới chỉ có 1 trang trại chăn nuôi lợn tập trung, dự kiến quý IV-2021 sẽ có thêm 3 trang trại lợn ở xã Lương Trung đi vào hoạt động...

Niềm vui của bác nông dân khi được mùa

Trước thực tế đó, để góp phần thực hiện thành công mục tiêu giá trị sản phẩm/1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của huyện Bá Thước vào năm 2025 đạt 100 triệu đồng/năm, yêu cầu đặt ra là phải thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TU của Tỉnh ủy Thanh Hoá về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, CNC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, tích tụ tập trung đất đai, tùy theo lợi thế từng vùng, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Vận dụng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thúc đẩy, nâng nhanh diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, chủ yếu là phát triển trồng trọt trong nhà lưới, nhà màng, phát triển vùng cây ăn quả mang thương hiệu Bá Thước, chăn nuôi trang trại quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, phối hợp với các công ty, đơn vị để rà soát lại các vùng nguyên liệu có độ dốc trên 15 độ, trồng mía kém hiệu quả để chuyển đổi sang trồng các loại cây có múi, cho giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân, ổn định cuộc sống và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình, góp phần vào mục tiêu hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Trích nguồn: vietnamhoinhap.vn