Khởi nguồn từ mạch núi cao trên 2.000m vùng Tây Bắc, sông Mã vắt mình qua nước Lào mải miết “rong chơi” trước khi đổ vào Mường Lát, rồi chảy qua 11 huyện miền núi, trung du, đồng bằng của Thanh Hóa để hòa vào biển Đông ở cửa Lạch Hới, thị xã Sầm Sơn.
Sông Mã đoạn chảy qua địa danh Hàm Rồng (TP Thanh Hóa).
Bởi khởi phát và chảy qua nhiều dạng địa hình, cho nên sông Mã mang nhiều mặt “tính cách” đối lập, vừa hung bạo, dữ tợn vừa đằm thắm, trữ tình. Sông Mã ở khúc thượng nguồn độ dốc lòng sông lớn, lắm thác ghềnh, chảy len lỏi quấn lấy chân núi rồi trườn qua thung lũng với mãnh lực của con ngựa bất kham mùa nước lũ. Nhưng khi xuôi về đồng bằng, sông Mã thoắt trở nên hiền hòa để mạch nước nguồn tươi mát bồi đắp, tưới tắm cho cả một vùng lưu vực rộng lớn, tạo nên sự kết nối, gắn bó vô cùng bền chặt với cuộc sống con người. Sông Mã là món quà của thiên nhiên, cũng đồng thời là chứng nhân cho những đổi thay, cho vận mệnh của vùng đất này trong chiều dài lịch sử dân tộc.
Sông Mã, dẫu không thơ mộng như sông Hương, không náo nhiệt như sông Hàn, nhưng vẫn có sức hấp dẫn của riêng nó, nhờ sự hùng vĩ và sâu lắng. Bởi vậy, khai thác vẻ đẹp và các giá trị từ dòng sông này phục vụ du lịch là vấn đề được tỉnh Thanh Hóa đề cập đến. Sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát và thử nghiệm, tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” được ngành văn hóa, thể thao và du lịch công bố gần đây chính là sự cụ thể hóa, hiện thực hóa cho mong muốn đánh thức tiềm năng du lịch từ sông Mã. Đồng thời, sản phẩm du lịch mới này, như đánh giá của ngành chức năng, “hứa hẹn sẽ mang lại một luồng gió mới, góp phần đưa du lịch Thanh Hóa phát triển nhanh, mạnh và hiệu quả trong thời gian tới”!
Sức hấp dẫn phải kể đến từ hành trình “Ngược xuôi sông Mã” là mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị và mới mẻ. Chảy cạnh dòng nước, cả nghìn đời nay, là văn hóa với nếp sống, nếp sinh hoạt, phong tục tập quán, tín ngưỡng, với câu hò, điệu hát, diễn xướng dân gian... mang đặc trưng của vùng sông nước xứ Thanh, như hò sông Mã với các điệu hò sắng, hò Đường Trường, hò xuôi nhịp một, hò xuôi nhịp đôi, hò ru ngủ, hò cập bến...; hát chèo văn, hát múa chèo cải, hát ca công, múa Tú Huần, lễ hội truyền thống chùa Vồm, lễ hội đền Hàn Sơn, lễ hội rước nước... có thể thỏa mãn nhu cầu thưởng thức văn hóa truyền thống của du khách. Dọc hai bên bờ sông Mã là hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, được hình thành từ sự kiến tạo địa chất và sức lao động của con người. Bên cạnh đó, sông Mã ở phía thượng nguồn có thể níu chân du khách nhờ bởi nhiều món ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số, hay xuôi về hạ du khách sẽ biết thêm về đậu phụ Yên Hoành, tương làng Ái, bánh răng bừa, ổi Đa Bút, bánh tráng làng Bồng, cá lăng sông Mã...
Bên bờ sông Mã có nhiều thắng cảnh đẹp như Cửa Hà (Cẩm Thủy) hay ngã Ba Bông, nơi “một tiếng gà gáy cả năm huyện nghe”, nhưng chắc chắn du khách không thể bỏ danh thắng Hàm Rồng. Đây là nơi sông Mã uốn lượn quanh đôi bờ núi Ngọc, núi Rồng tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, khiến vua Lê Thánh tông phải cảm thán mà vẩy bút đề thơ ngợi ca như chốn bồng lai tiên cảnh: “Mây rơi đầy đất nhờ ai quét/ Nhà trống thấu trời mượn đá vây/ Đây núi, kia rừng tiên phật quá/ Như mời du khách đến cùng say”. Hàm Rồng, nơi rồng ẩn mình mà thành núi, khiến bản thân nó như là hiện thân của chốn thanh tịnh. Để rồi, sự ra đời của Thiền viện Trúc lâm Hàm Rồng và Đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ, ví như nét chấm phá tinh tế vào cảnh sắc thiên nhiên hay một nốt trầm lắng đọng vào không gian rất tiên phật này. Không dừng lại ở đó, Hàm Rồng còn là bản hùng ca hào hùng trong thời đại Hồ Chí Minh, là hiện thân của tinh thần quật khởi quyết thắng của nhân dân Thanh Hóa, của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc đối đầu lịch sử với tên đế quốc sừng sỏ nhất trong thế kỷ XX. Những chiến tích chói lọi gắn với cầu Hàm Rồng, Núi Ngọc, đồi Quyết Thắng, Đồi C4... ngày ấy còn lưu dấu đậm nét và hằng ngày soi mình xuống dòng sông Mã. Và, đến Hàm Rồng, du khách không thể bỏ qua địa danh nổi tiếng làng cổ Đông Sơn, một trong những nơi khởi phát nền văn minh rực rỡ bậc nhất của dân tộc ta, văn minh Đông Sơn – văn minh trống đồng. Từ Hàm Rồng, thuyền sẽ đưa du khách xuôi theo sông Mã đến với đô thị du lịch biển Sầm Sơn vốn nức tiếng là nơi nghỉ dưỡng hấp dẫn.
Không thể phủ nhận, dựa trên tiềm năng sẵn có, tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đủ sức hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, để nó trở thành một sản phẩm du lịch riêng biệt, mang nét đặc trưng và độc đáo của Thanh Hóa, thì sự đầu tư nhân lực, vật lực là không nhỏ. Đó trước hết là hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, bao gồm bến đỗ, bãi đỗ xe, khu vực bán vé và giới thiệu du lịch, nhà chờ, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tại tất cả các bến du lịch thuộc hai bờ sông Mã; đồng thời, phải biến sản phẩm này thành cơ hội cho cả người dân và doanh nghiệp để kêu gọi sự chung tay xây dựng và khai thác sản phẩm, thông qua các cơ chế và thủ tục đầu tư thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, không thể không có sự đầu tư trùng tu, tôn tạo, bảo tồn vẻ đẹp của các danh thắng, di tích hay giá trị từ vốn văn hóa phi vật thể, song song với việc khai thác sao cho hiệu quả nhằm làm tăng thêm sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch mới của xứ Thanh trong Năm Du lịch Quốc gia 2015.
Trích nguồn: https://hoinongdan.thanhhoa.gov.vn/